Trà Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu

21:51:0, 22/04/2012 Là một trong các tỉnh được dự báo bị ảnh hưởng nặng của hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, Trà Vinh được biết đến như một mô hình điểm của đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực có các giải pháp thiết thực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

45,7% diện tích tự nhiên bị ngập do nước biển dâng

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Trà Vinh là một trong 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng của hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Theo tính toán nếu mực nước biển dâng lên 1m thì sẽ có đến 45,7% diện tích tự nhiên của tỉnh Trà Vinh bị ngập trong nước, các dải đất ven biển và sông màu mỡ phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sẽ bị biến mất dưới mực nước biển ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh) cho biết, toàn tỉnh có hệ thống sông phong phú với chiều dài 578 km trong đó có các sông lớn là sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Măng Thít cung cấp phù sa và nguồn tài nguyên nước phong phú cho tỉnh. Song, tỉnh Trà Vinh lại bị ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều biển Đông qua sông Cổ Chiên và sông Hậu nên khi bị tác động của nước biển dâng sẽ làm cho dòng chảy trên các kênh rạch biến động theo hướng bất lợi, tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng có địa hình cao, trong khi một số vùng có địa hình thấp lại thường xuyên bị ngập úng khi bị tác động của mưa và thủy triều. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị, đặc biệt là các vùng nhạy cảm ven biển như huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và Cầu Ngang.

Bà Trần Thị Minh Tâm (chuyên gia tài nguyên nước Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh) phân tích, biến đổi khí hậu cùng với nước biển dâng sẽ làm cho việc cung cấp nước ngọt trở nên khó khăn. Các nguồn nước ngọt gồm có nước mặt và nước ngầm sẽ bị nhiễm mặn khi nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp gây khó khăn nghiêm trọng cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, buộc phải có giải pháp ứng phó như : Quy hoạch nguồn cấp nước mới an toàn hơn hoặc áp dụng các công nghệ xử lý nước tiên tiến hơn và do đó đòi hỏi chi phí cao hơn. Vì vậy, suy thoái tài nguyên nước sẽ tác động đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Đây là một trong những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như vấn đề cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường cho người dân trên địa bàn tỉnh. Vấn đề đầu tư hệ thống xử lý, trang thiết bị xử lý, ngăn mặn cần có nguồn vốn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành có những chiến lược phát triển lâu dài nhằm cải thiện môi trường nước trên địa bàn tỉnh.

Chủ động ứng phó bằng giải pháp thiết thực

Trước những ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, Trà Vinh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó và trở thành một địa phương điển hình của ĐBSCL trong việc thích ứng với BĐKH.

Trước hết, để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh đề ra giải pháp hoàn thiện hệ thống đê bao. Bên cạnh đó, Trà Vinh có hệ thống công trình thủy lợi nằm trong quy hoạch thủy lợi (dự án Nam Măng Thít) nên về cơ bản đã có hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn thiện, thời gian qua hoạt động ổn định, góp phần vào phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản trong vùng, đưa đa dạng hóa cây trồng vật nuôi vào sản xuất. Tuy nhiên, để hệ thống công trình thủy lợi này hoạt động hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu cần xây dựng quy trình khai thác sao cho có hiệu quả và vẫn đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn.

Đối với các công trình thủy lợi tuyến cuối (ven biển), đề xuất xây dựng quy trình vận hành phục vụ cho mục đích tiêu thoát nước thải sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và lấy nước mặn cho nuôi trồng thủy hải sản. Còn đối với các công trình tuyến trên (ven sông Cổ chiên và sông Hậu) sẽ xây dựng quy trình lấy và tiêu thoát nước ngọt phục vụ sản xuất, ngăn mặn. Đặc biệt chú ý đến khả năng vận hành của công trình đảm bảo được tưới, tiêu, phòng chống xói lở. Đối với các cống tiêu thoát trong nội đồng xây dựng quy trình vận hành theo chế độ luân chuyển nước ngọt, tiêu thoát nước giữa các vùng với nhau nhằm tăng khả năng cấp, thoát nước.

Nhằm ứng phó với khả năng nước biển dâng, xâm nhập mặn, ngập úng, sóng gió, bão,… tỉnh xây dựng thêm, hoàn thiện, nâng cấp một số cống, công trình thủy lợi ven biển để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Dọc tuyến đê bao của huyện Duyên Hải, tỉnh đang tiến hành xây dựng thêm một số cống vừa có chức năng kết hợp tuyến đê bao, vừa có chức năng ngăn thủy triều, sóng, gió, nước biển dâng, phòng chống xói lở. Cũng tại nơi đây, huyện Duyên Hải đã vận động người dân tham gia đầu tư trồng rừng cũng như tiến hành giao khoán cho người dân địa phương chăm sóc và bảo vệ phần lớn diện tích rừng.

Tỉnh cũng đã lên kế hoạch xây dựng trạm quan trắc nhiệt độ, quan trắc gió, quan trắc nước biển dâng, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường nước để theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ, theo dõi chế độ thủy văn cũng như khả năng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng cũng như theo dõi chất lượng của nguồn nước dưới tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Về chuyên mục

Về đầu trang