Trồng nấm rơm ở Xuân Trường( Nam Đinh) góp phần chống biến đổi khí hậu

11:15:0, 17/01/2012 Qua hơn một năm thực hiện đề án “Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu vì sự phát triển của phụ nữ Nam Định” tại hai xã Xuân Ninh và Xuân Phong (huyện Xuân Trường), đã cho thấy những hiệu quả của việc tận dụng nguồn rơm rạ tại địa phương để trồng nấm và mộc nhĩ: Vừa góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, vừa mang lại lợi ích kinh tế; nhất là đã phát triển được một nghề mới tại địa phương để người phụ nữ bớt cảnh nhọc nhằn vì phải đi làm ăn xa.

* “Chống biến đổi khí hậu” theo cách của phụ nữ

Nam Định là một vùng trồng lúa trọng điểm của đồng bằng Bắc bộ, hàng năm, lượng lúa gạo sản xuất ra càng nhiều thì càng tỉ lệ thuận với những khó khăn trong việc thu gom xử lý rơm rạ sau mỗi mùa vụ. Rơm rạ dư thừa quá nhiều nên hầu hết người dân chọn giải pháp đốt tràn lan, gây tình trạng khói bụi dày đặc vây bủa, có khi khói lan xa hàng chục ki lô mét. Ở một số nơi, người dân còn đốt rơm rạ ngay trên mặt đường nhựa làm hư hỏng công trình giao thông, khói đặc che khuất tầm nhìn dễ gây tai nạn nguy hiểm cho người đi đường.

Việc đốt rơm rạ tập trung làm ô nhiễm môi trường, tăng nhiệt độ trong không khí…là những nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu. “Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng và nặng nề đến người phụ nữ. Vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trước hết đến sức khoẻ và việc làm của họ trong khi họ lại là nguồn lực quan trọng trong cuộc chiến chống lại các hiện tượng này”- chị Lê Thị Thuý Nhài, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) tỉnh Nam Định, tác giả của đề án trên chia sẻ. Đề án này đã được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với tổng kinh phí gần 270 triệu đồng.

Sau khi được thông qua, Hội LHPN đã lên kế hoạch để   từng bước đưa đề án vào thực hiện.Ý thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, vận động chị em về việc trồng nấm để góp phần chống biến đổi khí hậu,   Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường biên soạn và phát hành hơn 2800 cuốn sách để làm tài liệu cho báo cáo viên của Hội thực hiện tuyên truyền tại cơ sở. Đây cũng là hoạt động nhân rộng nội dung tuyên truyền ra ngoài vùng thực hiện đề án để mọi phụ nữ và cộng đồng trong tỉnh được tiếp cận, góp phần khẳng định tính bền vững của đề án.

Tổng kết hơn một năm triển khai đề án tại 2 xã Xuân Ninh và Xuân Phong cho thấy tính thiết thực và hiệu quả của việc sử dụng rơm rạ để trồng nấm: cứ mỗi tấn nguyên liệu được sử dụng sản xuất đã giải quyết được 1,5 mẫu trồng lúa có rơm rạ dư thừa. Như vậy thời gian qua, với hoạt động trồng nấm tại hơn 20 hộ, hàng trăm tấn rơm rạ tại địa phương đã được tận dụng để đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường.

Dù kinh phí còn hạn hẹp, đề án mới chỉ được thực hiện tại 2 xã của huyện Xuân Trường, song với thế mạnh là đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên nhiệt tình và được tập huấn bài bản, các kiến thức tuyên truyền đã được đưa về tận cộng đồng, tới từng hội viên chi hội ở mỗi xóm, thôn. Theo chị Nhài, điểm thành công nhất trong việc thực hiện đề án này là đã tuyên truyền được sâu rộng tại các huyện trong toàn tỉnh để nâng cao nhận thức về chống biến đổi khí hậu cho chị em.

 

* Phát triển nghề tại địa phương tạo sinh kế cho người dân

Huyện Xuân Trường   với đặc thù là huyện đất chật, người đông, diện tích đất canh tác ít nên hàng năm người dân nơi đây phải đi làm ăn xa khá nhiều, riêng lao động nữ khoảng 5.000 người. Thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn của những chị em vì hoàn cảnh gia đình phải lên thành phố đi làm thuê, chị Nhài luôn trăn trở với suy nghĩ tạo dựng một nghề để giữ chân người phụ nữ lại quê nhà. Biết được 2 xã Xuân Ninh và Xuân Phong có một số gia đình đã sẵn kinh nghiệm trồng nấm, chị quyết định tận dụng thế mạnh của địa phương, chọn hai xã này để thực hiện thí điểm đề án.

Sau khi thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại cơ sở, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Xuân trường và hợp tác xã nông nghiệp của hai xã Xuân Phong và Xuân Ninh tổ chức một lớp hướng dẫn phụ nữ phương pháp trồng nấm, nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rơm rạ của địa phương. Có 30 thành viên là hội viên phụ nữ có nhu cầu và các điều kiện làm nấm tham gia lớp tập huấn, tiếp thu kiến thức lý thuyết cũng như thực hành các qui trình làm nấm tại hai cơ sở đã có kinh nghiệm thuộc xã Xuân Ninh.

Sau khóa học, các học viên đều đã tiếp thu được cặn kẽ những quy trình, kiến thức cơ bản về cách xử lý rơm rạ, ủ thuốc, bảo quản…để trồng mộc nhĩ và các loại nấm. Ban quản lý đề án đã hỗ trợ gia đình hai hội viên tham gia lớp học là chị Hoàng Thị The và chị Nguyễn Thị Sen số tiền 1 triệu đồng/hộ để bắt đầu trồng nấm. Hội LHPN xã cũng huy động 14 công lao động đến giúp đỡ hai gia đình này trồng nấm rơm.

Qua năm đầu đưa vào sản xuất, chị Hoàng Thị The, hội viên chi hội 8 xã Xuân Ninh cho biết gia đình chị đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc trồng nấm. Trong đó số tiền bán mộc nhĩ thu được 320 triệu đồng/năm; nấm 32 triệu đồng/năm. Gia đình chị đã thu gom khoảng 20 tấn rơm rạ/vụ, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Nhờ trồng nấm, hơn hai mươi hộ còn lại cũng có thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Đến nay mô hình trồng nấm tại các hộ ở hai xã vẫn được tiếp tục duy trì góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho phụ nữ và hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ lúa. Song do một số khó khăn về kinh phí đầu tư cho giống, kĩ thuật và diện tích nhà xưởng ban đầu của các hộ nông dân nên đề án vẫn chưa được triển khai tại nhiều huyện trên toàn tỉnh.

Trồng nấm rơm là nghề phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nông thôn do lượng phế phẩm phụ nông nghiệp sẵn có, lại dễ làm và mau đem lại hiệu quả kinh tế. Nấm, mộc nhĩ là thực phẩm ngon miệng, lại có giá trị dinh dưỡng cao nên lượng tiêu thụ rất mạnh, sản phẩm làm ra thường xuyên không cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường. Việc dùng rơm rạ làm nguyên liệu để nuôi trồng sản xuất nấm vừa nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt cho phụ nữ nông thôn trong việc thu gom sản phẩm phụ trên đồng ruộng; vừa tạo việc làm cho chị em, tăng thu nhập cho gia đình, tạo sản phẩm thực phẩm sạch cho xã hội và là một tiêu chí quan trọng góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo.

Qua hơn một năm thực hiện đã cho thấy, đề án trồng nấm chống biến đổi khí hậu đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo thêm việc làm tại địa phương cho phụ nữ lúc nông nhàn, tạo điều kiện cho chị em vừa phát triển kinh tế, đồng thời có thời gian quan tâm xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương và là mô hình hiệu quả cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để triển khai rộng rãi hơn.

Về chuyên mục

Về đầu trang