Ứng dụng phần mềm để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai

9:8:47, 28/04/2022 Cơ quan chức năng quyết định ứng dụng phần mềm dữ liệu thời gian thực MOBILIZE, từ nhiều nguồn như cảm biến, vệ tinh, ứng dụng cộng đồng,...giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Tổng cục phòng, chống thiên tai phối hợp với Trung tâm phòng, chống thiên tai Châu Á (ADPC) tổ chức hội thảo “Hệ thống nâng cao năng lực hỗ trợ ra Quyết định trong công tác phòng chống thiên tai cấp trung ương MOBILISE”.

Đây là một trong những nội dung nằm trong dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á” (URCE) do Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ giai đoạn 2021-2023 thông qua Trung tâm phòng, chống thiên tai Châu Á.

Dự án thuộc Chương trình cấp vùng, được thực hiện tại Myanmar và Việt Nam. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 2 tỉnh Nam Định và Tiền Giang.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng, chống thiên tai Đoàn Thị Tuyết Nga, mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng cư dân khu vực đô thị trước các hiện tượng khí hậu cực đoan mới nổi, thiên tai và tình trạng khẩn cấp được dự đoán cho các thành phố khu vực đồng bằng và ven biển ở Việt Nam.

 

Thông qua việc hiểu rõ các rủi ro hiện tại và trong tương lai để xây dựng năng lực phòng ngừa, quản lý khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro cũng như mang lại các cơ chế quản trị rủi ro, học hỏi nhằm quản lý rủi ro bền vững trong tương lai.

 

Thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) và thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã được lựa chọn để triển khai dự án tại Việt Nam. Thành phố Nam Định ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam và thành phố Mỹ Tho ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cả hai thành phố trên đều chịu ảnh hưởng chủ yếu từ lũ và bão. Ngập lụt tại các vùng trũng ở thành phố Nam Định và Mỹ Tho do mưa lớn ở thượng nguồn, mưa cục bộ, lũ trên sông và ảnh hưởng của triều cường gây ra.

Giáo sư Terrence Fernando, Giám đốc THINKlab, Trường Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đại học Salford cho biết, công cụ MOBILISE là phần mềm được xây dựng bởi THINKlab tại Đại học Salford, nhằm cung cấp một cơ sở dữ liệu thông tin rủi ro chung hỗ trợ các cơ quan liên quan thiết lập sự hiểu biết chung về rủi ro trong một khu vực nhất định. Việc triển khai hiện tại của nền tảng MOBILISE cho phép các cơ quan duy trì một bộ dữ liệu hoàn chỉnh, dữ liệu về tính dễ bị tổn thương và dữ liệu về mối nguy (lịch sử và mô phỏng) cho các khu vực dễ xảy ra thiên tai.

Bên cạnh đó, MOBILISE có khả năng truy cập dữ liệu thời gian thực từ nhiều nguồn (cảm biến, vệ tinh, ứng dụng cộng đồng,...), thông tin chung về bối cảnh rủi ro của một khu vực, thống nhất các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra và xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai, gửi tin nhắn cảnh báo sớm đến các cơ quan liên quan và cộng đồng địa phương, giúp các cơ quan thiết lập nhận thức về tình huống để họ có thể ứng phó hiệu quả. Nền tảng MOBILISE bao gồm hai thành phần chính: Máy chủ thông tin rủi ro MOBILISE và Trình xem MOBILISE. Máy chủ chạy trên một máy chủ máy tính từ xa có thể được truy cập bởi các cơ quan có thẩm quyền để tải lên dữ liệu hoặc truy cập dữ liệu. 

Tiến sĩ Senaka Basnayake, Giám đốc dự án Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á, Trung tâm phòng, chống thiên tai Châu Á chia sẻ, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phê duyệt Dự án để triển khai tại Việt Nam trong 3 năm (từ 2021 đến 2023). Tổng cục phòng, chống thiên tai được chỉ định là cơ quan chủ dự án. Trung tâm phòng, chống thiên tai Châu Á đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tổng cục phòng, chống thiên tai để triển khai các hoạt động nhằm đạt được các kết quả chính mà dự án đã đặt ra./.

(Nguồn: vov.vn)

Về chuyên mục

Về đầu trang