Hai nghiên cứu điểm
Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tại sân bay Cần Thơ và Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu.
Theo ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), Cảng hàng không Cần Thơ thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Cần Thơ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của Cảng hàng không Cần Thơ là nhiệt độ không khí tăng cao, nước biển dâng và sự gia tăng tần suất xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trong đó, tác động của nước biển dâng kết hợp với hoạt động của lũ và triều cường tại khu vực này được xác định là tác động lớn nhất đến hoạt động của Cảng hàng không Cần Thơ do cảng nằm trên nền đất yếu, dễ bị sụt lún, sạt lở. Tuy nhiên, do ở địa hình cao nên khi nước biển dâng, phần lớn khu vực đường cất hạ cánh phía Tây và khu vực dự trữ nhiên liệu của cảng hàng không sẽ bị ngập, song cần gia cố toàn bộ khu vực này để tránh sạt lở.
Đối với công nghiệp tàu thủy, ảnh hưởng lớn nhất do nước biển dâng đối với hệ thống công trình của Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu là ngập lụt. Với độ cao nền thấp từ khoảng 2,6 - 3,1m lại nằm trong khu vực có chế độ triều với biên độ triều cao, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão với cường độ và tần suất lớn, hệ thống sông trong khu vực chằng chịt nên Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu chịu ảnh hưởng nhiều của lũ từ thượng nguồn đổ về.
Kết quả tính toán cho thấy, trong điều kiện bão (với tần suất 2%) chưa tính tới nước biển dâng, khu vực Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu đã ngập lụt tới 50% diện tích toàn Nhà máy, nếu cộng với nước biển dâng 75 cm thì toàn bộ Nhà máy sẽ bị ngập.
Biến đổi khí hậu với biểu hiện cụ thể là thiên tai bão lũ còn gây ngập lụt, sạt lở trên các tuyến đường bộ, đường sắt. Đồng thời, nếu không có hệ thống tiêu thoát lũ, các tuyến đường còn có thể trở thành những "con đê" ngăn nước lũ thoát ra sông, ngập lụt càng dai dẳng, nghiêm trọng.
Hướng tới giao thông bền vững
Bị tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, giao thông vận tải đồng thời cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu. Khí thải giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở đô thị, chiếm 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Bên cạnh các giải pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành giao thông cũng cần hướng đến mục tiêu bền vững, thân thiện môi trường.
Mới đây, Viện Chiến lược chính sách TN&MT đã xây dựng một chiến lược phát triển giao thông vận tải bền vững về môi trường từ nay đến năm 2020 với 6 chỉ tiêu cụ thể gồm: Giảm hàm lượng bụi lơ lửng phát sinh đạt tiêu chuẩn, giảm nồng độ khí thải SO2, Nox,VOC tại Hà Nội và TP.HCM. Xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới đạt tiêu chuẩn Euro 3 vào năm 2010 và Euro 4 vào năm 2017. Tỷ lệ nhiên liệu sạch sử dụng đạt 10% trên tổng số nhiên liệu tiêu thụ. Kiện toàn mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, gia tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố lớn đạt 50%, sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới đạt 35%.
Tuy nhiên, trước mắt cần có một sự quy hoạch tổng thể về giao thông cũng như quản lý nhu cầu đi lại của người dân để giảm thiểu lượng xe cá nhân, từ đó hạn chế nồng độ bụi thải ra cũng như tiếng ồn và tai nạn trên đường phố. Đó là khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng cùng với phát triển mạng lưới này, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng.