Cùng với việc triển khai các dự án thành phần, năm 2010, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Chính phủ giao triển khai, thực hiện Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường (VNREDSat-1). Ðây là dự án đang được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và dự kiến vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Song vệ tinh này, theo các nhà khoa học chỉ có tuổi thọ năm năm. Làm sao bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CNVT không bị gián đoạn, nhất là việc chụp và thu thập ảnh viễn thám phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và ứng phó với thiên tai, thảm họa.
Tại Văn bản số 1044/TTg-QHQT (ngày 30-6-2011) gửi Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý đưa Dự án vệ tinh nhỏ Việt Nam thứ hai, quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1B) vào danh mục đề nghị sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Bỉ. Dự án VNREDSat-1B được triển khai, thực hiện từ năm 2012, với tổng nguồn vốn đầu tư là 83,5 triệu USD (trong đó vốn đối ứng Việt Nam là 3,1 triệu USD). Theo Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Viện phó CNVT, thì dự án bao gồm các hạng mục: Thiết kế và chế tạo một quả vệ tinh quang học dùng quan sát trái đất; xây dựng cơ sở hạ tầng cho phân hệ mặt đất (gồm trạm điều khiển vệ tinh và trạm thu ảnh vệ tinh); thuê dịch vụ phóng đưa vệ tinh VNREDSat-1B vào quỹ đạo hoạt động; đào tạo và chuyển giao công nghệ, cung cấp và lắp đặt trang thiết bị cho phòng thí nghiệm về công nghệ vệ tinh nhỏ... Dự kiến vệ tinh VNREDSat-1B sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2017. Nghĩa là tiếp nối vệ tinh VNREDSat-1 khi vệ tinh này còn một phần ba tuổi thọ (theo thiết kế). Thực hiện Dự án vệ tinh nhỏ thứ hai nhằm phối hợp với vệ tinh VNREDSat-1 để cung cấp các thông tin ảnh dưới dạng độ phân giải cao, cũng như độ phân giải phổ cao tại các vùng trên bề mặt trái đất. Tuy nhiên, giữa các ảnh này, như các nhà chuyên môn cho biết, có một số đặc điểm khác nhau. Sản phẩm ảnh của vệ tinh VNREDSat-1 cơ bản giống ảnh chụp thông thường nhìn thấy được rõ nét dưới dạng ảnh đen trắng, hoặc ảnh mầu đa phổ (ba mầu cơ bản). Trong khi ảnh do vệ tinh VNREDSat-1B chụp là ảnh siêu phổ, tức là tại các vị trí cần chụp VNREDSat-1B cung cấp không chỉ thông tin của ba mầu cơ bản mà số lượng mầu đã tăng lên rất nhiều (có thể tới hàng trăm dải phổ khác nhau).
Lâu nay, không chỉ ở nước ta mà khá nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh đa phổ vẫn được dùng rộng rãi trong hoạt động quản lý và giám sát thiên nhiên. Nhưng với các ưu việt mà ảnh siêu phổ đem lại, xu thế chung là kết hợp việc sử dụng cả hai loại ảnh đa phổ và siêu phổ nhằm tăng hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát cũng như đánh giá chính xác thực trạng tài nguyên thiên nhiên, các hiện tượng thiên tai của mỗi quốc gia. Cho nên, trong điều kiện ngành CNVT của ta mới đi những bước đầu, thì việc hợp tác khoa học, thuê thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh và phóng vệ tinh nhỏ như VNREDSat-1, và tiếp nối Dự án VNREDSat-1B là cần thiết. Bởi triển khai, thực hiện các dự án này có hiệu quả, chúng ta không những chủ động trong điều tra, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; đỡ phải lệ thuộc mua ảnh của nước ngoài, mà còn là thời cơ để đào tạo một đội ngũ cán bộ kỹ thuật thạo tay nghề; từng bước tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho cả phần thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ và ứng dụng ảnh đa phổ, siêu phổ ngày càng cao, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.