Thế giới đang hồi hộp chờ đợi kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Durban (Ảnh: AP)
Cần có liên hệ, thống nhất giữa châu Âu và các nước mới nổi?
Chúng ta có thể vẽ ra nhiều viễn cảnh cho tương lai của Nghị định thư Kyoto. Và không thể phủ nhận rằng tuần đàm phán lần này đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Trung Quốc khi nước này tuyên bố sẵn sàng thảo luận một bản hiệp định mới, mang tính ràng buộc về pháp lý, và sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Đây là điểm tương đối mới trong vòng đàm phán lần này vì cho tới thời điểm trước khi diễn ra Hội nghị Durban, Trung Quốc vẫn từ chối xem xét việc này.
Ngược lại với thiện chí tích cực đó, ba nước công nghiệp phát triển là Canada, Mỹ và Nhật Bản vẫn kiên quyết cản trở vòng đàm phán trong giai đoạn cam kết thứ hai. Bên cạnh đó là châu Âu vẫn tiếp tục khẳng định mong muốn chỉ cam kết trong giai đoạn thứ hai với điều kiện vòng đàm phán lần này thống nhất một hiệp định mới, trong đó bao gồm tất cả các nước công nghiệp phát triển. Quan điểm này của châu Âu, vì vậy, còn một khoảng cách rất xa so với quan điểm của Trung Quốc.
3 viễn cảnh đối với tương lai của Kyoto
Viễn cảnh thứ nhất cũng là khả năng dễ xảy ra nhất: đó là một sự thỏa hiệp mềm dẻo, quyết định một cách đơn giản là sẽ tiếp tục đàm phán. Chúng ta sẽ vui vẻ mà tuyên bố rằng mọi thứ đang tiến triển, Quỹ Xanh đã có tiến bộ và các quốc gia sẽ tiếp tục đàm phán. Song, điều đáng nói là, với nhịp độ như hiện nay thì không thể phủ nhận rằng chúng ta sẽ lãng quên mục tiêu 2°C và nguồn đầu tư tài chính cho Quỹ Xanh sẽ bị lãng quên vô thời hạn. Và trong trường hợp này, năm 2011, sau đó là 2012 có nguy cơ trở thành những năm ghi nhận kỷ lục về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Và như các nhà khoa học đã khẳng định, hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu đã và đang diễn ra và sẽ ngày càng trầm trọng hơn nữa. Tương lai trái đất, một lần nữa, lại được “để dành” đến các vòng đàm phán lần sau trong khi các thảm họa tự nhiên, các nguy cơ từ biến đổi khí hậu vẫn sẽ tiếp tục gia tăng theo từng ngày, từng giờ.
Viễn cảnh thứ hai là thất bại của vòng đàm phán và sẽ không cho phép tìm ra một hiệp định về giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto, cũng như không thống nhất được về các khoản thuế mới (đối với vận tải đường biển và lưu chuyển tài chính quốc tế). Viễn cảnh này có thể xảy ra bởi vì các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ từ chối ký vào một bản hiệp định quá yếu ớt mà theo đó họ sẽ nhanh chóng phải hứng chịu các tác động nghiêm trọng từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cũng bởi vì châu Âu có thể chọn cách “làm hỏng” vòng đàm phán bằng cách từ chối ký vào một văn bản mà chỉ cam kết giảm 15% lượng khí thải của thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng khả năng này xảy ra cũng có mặt tích cực là tạo ra một chút áp lực chính trị trong đàm phán lần này và các vòng đàm phán tiếp theo, cũng như bắt buộc các nhà lãnh đạo của các quốc gia thiếu thiện chí nhất thừa nhận một cách công khai thất bại của hệ thống đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Viễn cảnh thứ ba, lạc quan hơn, song lại ít có khả năng xảy ra. Đó là việc thông qua một giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto bằng cách bỏ qua các nước như Nhật Bản và Canada, những nước từ chối tham gia, và mở ra một tiến trình đàm phán mới để thông qua một văn bản mới, bao gồm tất cả các nước, ngay khi có thể. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì các nước tiến bộ nhất, bao gồm Liên minh châu Âu, cần chấp nhận rủi ro, và các nước mới nổi phải nâng cao thiện chí kết hợp để tạo đà. Ngoài ra, điều này cũng đòi hỏi phải có tiến bộ đáng kể về tài chính.
Thế giới đang đếm ngược từng giờ, từng phút để trông đợi kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Dù cho kết quả có thế nào thì ít nhất, Hội nghị Durban vẫn sẽ được coi là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu./.