Trong nhiều ngày, trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An liên tiếp có mua to đến rất to, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng người dân. Đặc biệt tại Thanh Hóa có hàng trăm hộ dân bị cô lập hoàn toàn trong nước lũ, ước tính thiệt hại ban đầu lên đến trên 400 tỷ đồng.
Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến thời điểm này, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 13 người chết, 2 người mất tích và 15 người bị thương. Nước lũ đã nhấn chìm 7.800 ngôi nhà và gần 49.000ha lúa và hoa màu bị ngập. Hàng trăm nghìn m3 khối đất đá kênh mương, đường giao thông bị sạt lở và cuốn trôi.
Lãnh đạo huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa đi kiểm tra khu vực bị sạt lở (Ảnh: Hoàng Thái) |
Trong 3 ngày qua, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên tới 457mm. Nước lũ đã làm sạt lở các tuyến đường và một số tuyến đê và nhiều xã đang bị cô lập hoàn toàn, chủ yếu ở các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh. Trong đó huyện Thọ Xuân là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 200 tỷ đồng.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa khẩn trương huy động lực lượng, máy móc, vật tư dự trự khẩn trương gia cố và sửa chữa các tuyến đê bị nứt và sạt lở ở tại 3 đoạn đê hữu sông Chu ở Thọ Xuân và đê tả sông Chu ở huyện Thiệu Hóa, đồng tăng cường kiểm tra, ứng trực tại các điểm trên toàn tuyến đê sông Chu có nguy cơ bị sạt lở.
Tính đến sáng 9/9, huyện Thọ Xuân vẫn còn 39 xã, thị trấn bị ngập chìm trong nước. Do tuyến đê sông Chu bị sạt lở 3 điểm đã làm hàng chục thôn các xã Quảng Phú, Thọ Lộc, Xuân Châu bị cô lập hoàn toàn. Lũ vẫn tiếp tục dâng cao, cuộc sống người dân tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân đã nhanh chóng huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên giúp đỡ 9.000 người dân vận chuyển đồ đạc, vật nuôi di dời đến nơi an toàn, đồng thời đưa xuống cứu hộ kịp thời cung cấp nước uống, mỳ tôm ở vùng lũ cô lập.
Ông Lê Văn Điền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân cho biết: “Tại các xã bị ngập lụt, cùng với việc cung cấp nước sạch, Trung tâm Y tế dự phòng và bệnh viện kết hợp với trạm y tế xã xử lý nguồn nước, đảm bảo nước sạch cho dân; xử lý môi trường và các biện pháp hỗ trợ lương thực. Từ sáng 7/9, huyện đã cấp phát mì tôm cho các hộ dân bị cô lập. Hiện nay các doanh nghiệp trong huyện và trong tỉnh đang tạo điều kiện hỗ trợ đưa đến các xã bị ngập lụt nặng”.
Nhân dân xã Thiệu Vũ - Thiệu Hóa khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ (Ảnh: Hoàng Thái) |
Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Nghệ An, nước lũ đã làm hư hỏng nặng nề hạ tầng cơ sở thủy lợi khiến 14 đập dâng, thủy lợi hồ chứa bị sạt lở, 11 cầu tạm bị cuốn, gần 20km đường giao thông nông thôn sạt trươt. Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn hàng chục điểm ngập cục bộ và sạt lở gây ắc tắc giao thông, như quốc lộ 48, 7, 15A và một số tuyến đường DT 545, 543, 538, 531.
Hiện ngành giao thông tỉnh đã tăng cường hàng trăm công nhân và huy động máy xúc, san ủi nhanh chóng thông tuyến, đồng thời cắm biển cảnh báo chỉ dẫn phương tiện giao thông. Lực lượng bộ đội, công an, dân quân, thanh niên chuẩn bị phương tiện, lực lượng xử lý sự cố và giúp đỡ người dân thu hoạch lúa hè thu, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tiếp tế lương thực cứu đói. Các đơn vị thuỷ nông tập trung khơi thông các trục tiêu, vận hành các cống, trạm bơm tiêu úng.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết: Nước lũ ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn… đang rút, còn nước lũ tại các huyện như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương nước rút chậm. Hiện tỉnh đã chỉ đạo các trạm bơm phải sử dụng hết công suất bơm tiêu động lực để cứu lúa vì diện tích lúa bị ngập rất nhiều.
Mưa lớn trong những ngày qua cũng đã làm ngập hơn 700ha lúa và rau màu của tỉnh Ninh Bình. Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình đã chia thành 3 vùng tiêu úng chính với mỗi vùng là một biện pháp công trình tiêu chủ lực khác nhau, gồm huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, thị xã Tam Điệp.
Theo đó, huyện Nho Quan đã vận hành 5 cống, 16 máy bơm các loại; Gia Viễn vận hành 47 máy bơm; Hoa Lư vận hành 17 cống, 43 máy bơm; Thị xã Tam Điệp vận hành 2 cống, 10 máy bơm để tiêu úng./.