 |
Nhóm CT24 đến từ Cần Thơ giới thiệu mô hình thu nước mưa. |
Ðại diện Nhóm DN03 của Ðà Nẵng đã giới thiệu với các đại biểu đến từ Văn phòng Ðiều phối biến đổi khí hậu dự án "Trồng rau thủy canh". Dự án đã đưa ra cách trồng rau mới với phương pháp trồng trong thùng xốp chứa dung dịch pha từ muối khoáng cho những vùng bị ngập lụt. Từ những thùng xốp được thu về, phía trong sẽ chứa nước dung dịch đã được pha sẵn. Phần nắp của thùng xốp sẽ được khoét từng lỗ rộng bằng miệng ly uống nước để đặt những ly trồng rau. Giống rau được gieo vào những ly nhựa đã qua sử dụng, bên trong bỏ xơ dừa hoặc vỏ trấu. Với cách trồng này, người dân có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có, không tốn đất để gieo trồng và sản lượng thu được vẫn ngang bằng so với việc trồng rau trên đất. Trồng rau thủy canh cũng không phải sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Hữu Vinh ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng) là một trong những gia đình tiếp nhận mô hình trồng rau thủy canh của Nhóm DN03. "Ðợt đầu các cô trong nhóm dự án sang hướng dẫn, chỉ 20 ngày sau khi "xuống giống", cứ bốn ly trồng rau tôi thu được khoảng 1,5 kg cải ngọt" - ông Vinh kể lại. Ðến nay trên khoảng sân 75 m2, vợ chồng ông Vinh triển khai 40 thùng, mỗi thùng sáu ly, mỗi ly trồng từ bốn đến năm cây cải ngọt. Nghe tin gia đình ông Vinh trồng thành công cải ngọt theo phương pháp thủy canh, bà con trong xóm rất quan tâm và đến tìm hiểu thường xuyên. Ðến nay, nhóm đã triển khai tại 16 hộ dân ở quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ, đạt kết quả khá tốt. Ngoài ra, nhóm đã tập huấn, giới thiệu về dự án của mình cho gần 300 lượt người dân trên địa bàn thành phố.
Cũng cùng một ý tưởng tìm ra lương thực cho người dân vượt qua những ngày bão lũ, Nhóm QN08 đến từ Quy Nhơn đã triển khai dự án "Lương thực - thực phẩm mùa bão lũ". Nhóm đã nghiên cứu và tìm ra sáu loại giống cây trồng phù hợp các tiêu chí: ngắn ngày, chịu được ngập úng và bảo đảm chất dinh dưỡng, bao gồm: xà-lách, rau muống, cải bẹ xanh, cải củ, cải ngọt, cải thìa. Những loại giống rau được chọn này có thể gieo trồng với mùn cưa, xơ dừa, thậm chí là ủ không với bông hoặc vải thấm nước... Chỉ sau ba ngày người dân đã có thể sử dụng và tiếp tục sử dụng đến 10 ngày tiếp theo.
Tám bạn trẻ của Nhóm CT24 đến từ Cần Thơ cũng đã dựa vào điều kiện cuộc sống và khí hậu của địa phương mình để đưa ra dự án: "Lắp đặt hệ thống thu nước mưa từ mái nhà để tái sử dụng cho sinh hoạt và làm mát mái nhà trong mùa hè". Lê Nhựt Tú, thành viên của nhóm giải thích: "Người dân Cần Thơ vẫn thường hứng nước mưa để sử dụng. Tuy nước mưa rất sạch nhưng khi được hứng từ mái nhà, qua những lớp rác, cát bụi... không thể tránh được việc nước bị nhiễm bẩn. Từ đó, chúng tôi nảy ra sáng kiến tạo ra một hệ thống vừa thu được nhiều nước mưa, có bộ lọc nước để lọc sạch trước khi sử dụng cho sinh hoạt và hệ thống phun nước lắp trên mái nhà để làm mát ngôi nhà vào những ngày nắng nóng".
Những người tham gia dự án đã tận dụng những đồ vật gia đình có sẵn như máng xối (được lắp dưới mái nhà để thu nước), bình nước sinh hoạt. Khi nước được thu vào bình, sẽ được nối thông vào một bộ lọc. Bộ lọc gồm cát lọc, sỏi lọc và các hoạt tính có thể khử những chất bẩn của nước. Qua hai năm triển khai, nhóm đã lắp đặt thử cho tám hộ gia đình tại Cần Thơ. Ngoài ra, người dân của 11 phường trên địa bàn thành phố cũng được các bạn mời đến xem mô hình của mình để có thể áp dụng rộng rãi hơn.
Trên đây là ba trong số 12 dự án được các nhóm bạn trẻ đến từ ba thành phố khác nhau triển khai. Qua hai năm thực hiện, các nhóm đã nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn những dự án của mình nhằm giúp cộng đồng trong khu vực mình thích ứng với khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền trong việc mở rộng và phát triển hơn nữa mô hình của dự án để người dân có thể tiếp cận và hưởng lợi từ những sáng tạo đó.