Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm - cua - cá dưới tán cây rừng, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá giàu. Những hộ nông dân áp dụng mô hình này thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Trường ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, khi nhận 3 ha rừng phòng hộ, anh Trường đã áp dụng mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng. Mỗi năm, anh thả nuôi tôm, cua hai đợt. Sau khi cải tạo và cho nước vào, anh Trường thả nuôi 100.000 con tôm sú giống và 50.000 con cua biển giống. Cứ 2 tháng anh Trường thả tôm, cua giống gối đầu. Mỗi lần thả sau lại giảm số tôm, cua giống xuống còn 50.000 con tôm và 30.000 con cua giống. Sau 3 tháng nuôi, anh bắt đầu thu tỉa tôm, cua lớn để bán. Tôm nuôi thả lan dưới tán rừng thu hoạch kéo dài và liên tục. Bên cạnh đó, hàng ngày, anh Trường đặt lú bắt tôm, cua bán bình quân 200.000 đồng/ngày. Như vậy, mỗi năm, trừ tất cả chi phí đầu tư, anh Trường còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ bảo vệ tốt rừng phòng hộ nên tôm, cua sống dưới tán rừng ít bị dịch bệnh; đồng thời rừng đước ngày một phát triển. Anh Trường cho biết: “Mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân vùng ven biển thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (ấp Phước Ninh, xã Phước Long, huyện Phước Long) là người đầu tiên trong ấp đưa cây lúa trồng trong vuông tôm. Hàng năm, ông Hiệp thu hoạch 2 vụ tôm nuôi, lãi trên 200 triệu đồng; còn vụ lúa ông cũng lãi gần 100 triệu đồng. Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho rằng: “Ở huyện Phước Long, nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên khá giàu nhờ áp dụng các mô hình kết hợp (như mô hình lúa - tôm, lúa - tôm càng xanh…). Các mô hình này mang tính ổn định, bền vững nên ngày càng có nhiều nông dân thực hiện”.
Anh Lâm Thành Phúc (48 tuổi, ấp Phước Thọ Tiền, xã Phước Long, huyện Phước Long) là một trong những nông dân có hơn 10 năm liền áp dụng mô hình luân canh 2 vụ tôm - 1 vụ lúa trên diện tích 3,3ha. Những năm đầu, anh Phúc thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi còn hạn chế. Sau đó, nhờ được dự các lớp tập huấn khuyến nông - khuyến ngư và áp dụng vào mô hình nên năng suất lúa - tôm ngày càng đạt cao. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, anh Phúc thu nhập trên 150 triệu đồng. Riêng năm 2011, anh thu lãi 220 triệu đồng (tôm 160 triệu đồng, lúa 60 triệu đồng).
Những mô hình trên đã tạo nên bước đột phá mới để người dân thay đổi tư duy, có phương thức sản xuất phù hợp trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Bạc Liêu có khả năng làm lúa trên nền đất tôm ở một số diện tích. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được nước mặn.
Hiện nay, vùng chuyển đổi Bắc Quốc lộ 1A có diện tích 61.000ha lúa - tôm, trong đó huyện Hồng Dân chiếm hơn 1/3 diện tích, nhưng chưa có công trình kiểm soát nước mặn hoàn chỉnh. Lúa - tôm được nông dân sản xuất trên vùng nước lợ, vì thế, khi mưa kéo dài thì lúa - tôm phát triển tốt. Song, năm nào mưa kết thúc sớm, không có nước ngọt sông Hậu về thì sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất lúa.
Ngành nông nghiệp đang kết hợp với các viện, trường nghiên cứu nhằm tìm ra giống lúa với khả năng chịu mặn cao (từ 5 - 6%o). Bởi, hiện nay, các giống lúa đang sử dụng chỉ chịu mặn được lúc đầu, nhưng đến khi lúa trỗ đòng, giai đoạn chín thì không chịu nổi độ mặn, kể cả lúa sỏi, lúa một bụi đỏ. Vì vậy, cần có công trình thủy lợi kiểm soát nước mặn ở đầu kênh cấp hai thì mới áp dụng được mô hình lúa - tôm một cách bền vững.