Trước tình hình đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã triển khai các đoàn đánh giá nhanh tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, lập báo cáo nhanh với Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế tại Việt Nam về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại các khu vực bị ảnh hưởng.
|
Đoàn đánh giá bao gồm thành viên từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các Tổ chức phi Chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Thời gian thực hiện đánh giá từ ngày 21 – 25/3/2016 và được thực hiện tại các tỉnh Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và Kiên Giang.
Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đã cử cán bộ tham gia đoàn đánh giá tại tỉnh Bình Thuận, đã ghi nhận được một số thông tin như sau:
Theo thống kê mới nhất ngày 22/3/2016, tỷ lệ dung tích hồ chứa nước trên toàn tỉnh chỉ còn đạt 33%. Sau khi cấp nước cho vụ Đông Xuân 2015 – 2016, nguồn nước của các hồ chứa được ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc và cây ăn lâu năm (thanh long, điều, quýt, xoài…). Tuy nhiên, khả năng cấp nước rất hạn chế tại một số khu vực huyện, xã duy trì tối thiểu đến cuối tháng 4 năm 2016. Tại thời điểm đánh giá, các khu vực đi thực đia mới bắt đầu bước vào thời kỳ hạn nên bức tranh tổng thể về hạn hán trên địa bàn tỉnh chưa thật sự gay gắt. Nhưng với thông tin từ khí tượng – thuỷ văn dự báo sẽ không có mưa trong thời gian tới nên từ một đến hai tháng tới tình hình hạn ở Bình Thuận sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Với tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đã chủ động tổ chức triển khai một loạt các hoạt động sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh như: thành lập các Đoàn đánh giá, Ban chống hạn các cấp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc tiết kiệm sử dụng nước và văn hóa lá lành đùm lá rách trong việc chia sẻ quyền lợi sử dụng nước; gấp rút hoàn thiện việc nâng cấp, xây dựng, lắp đặt các công trình thủy lợi đang triển khai hoặc đã được phê duyệt; hỗ trợ tiền mua nước sinh hoạt cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách...
Tuy nhiên, các phương án mới dừng lại ở mức độ đối phó với tình hình cụ thể đang diễn ra, chưa đảm bảo tính lâu dài, bền vững.
Chi tiết: báo cáo kèm theo (báo cáo cuối cùng của đoàn công tác có thể tải tại đây)