Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ cho biết, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại tất cả các bang nằm dọc bờ Đông nước Mỹ. Hàng trăm nghìn người đã bắt đầu sơ tán. Hầu hết các trường học trong khu vực dự kiến bão sẽ đổ bộ đã được lệnh đóng cửa trong ngày 29/10 và có thể cả trong hai ba ngày sau. Một số hệ thống giao thông công cộng, trong đó có tầu điện ngầm và hàng chục nghìn chuyến bay đã hoặc có nguy cơ bị đóng cửa và hủy bỏ.
Người dân tại các bang chịu ảnh hưởng của bão cũng đã đi mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, máy phát điện, đèn pin, pin... để đề phòng bão kéo dài trong nhiều ngày. Thị trường chứng khoán New York cũng đã thông báo sẽ chỉ giao dịch trên mạng trực tuyến trong ngày 29/10.
Siêu bão Sandy cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Barack Obama và cựu Thống đốc Mitt Romney. Hai ứng cử viên đều đã phải điều chỉnh lịch trình và hủy bỏ một loạt cuộc gặp gỡ vận động tranh cử do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Trụ sở chính của Liên hợp quốc tại New York cũng phải đóng cửa ít nhất một ngày do bão Sandy. Thông báo của Văn phòng phát ngôn viên Liên hợp quốc nêu rõ: "Do ảnh hưởng của báo Sandy, các văn phòng Liên hợp quốc tại New York sẽ đóng cửa trong ngày 29/10/2012", mọi cuộc họp dự kiến diễn ra trong ngày 29/10 tại trụ sở Liên hợp quốc cũng đã bị hủy bỏ.
Trong khi nước Mỹ đang phải lo đối phó với bão Sandy thì một số nước vùng Caribean lại đang khẩn trương khắc phụ hậu quả do cơn bão này để lại. Bão đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 59 người sau khi quét qua khu vực này.
Theo thông báo của chính phủ Cuba, bão Sandy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở tỉnh Santiago de Cuba và khiến 11 người thiệt mạng, đồng thời phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. Tại Santiago, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, có khoảng 4.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và trên 44.000 ngôi nhà khác bị tốc mái hoặc hư hại nặng.
Hiện tại, chính phủ và nhân dân Cuba tại nhiều địa phương trên cả nước đang tập trung vào công tác khắc phục những thiệt hại nặng nề do cơn bão Sandy gây ra. Ngoài sự tham gia của người dân tại các khu dân phố, các đơn vị cứu hộ thuộc Lực lượng vũ trang Cách mạng, các bộ Xây dựng, Nông nghiệp và nhiều cơ quan, ban ngành khác cũng tích cực góp sức người và của trong công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
|
Bão Sandy sau khi quét qua Haiti đã để lại hậu quả nặng nề cho quốc gia này với 44 người thiệt mạng. (Ảnh: Getty Images/CNN) |
Bão Sandy khi quét qua Jamaica đã khiến một người chết, năm cộng đồng dân cư ở khu vực đồi núi phía Nam bị cô lập vì nước lũ. Tại bán đảo Bahamas, bão nhấn chìm các đoạn đường lớn và đốn ngã nhiều cây to, làm hai người thiệt mạng, trong đó có giám đốc điều hành người Anh của một ngân hàng đầu tư. Tại Cộng hòa Dominica, chính quyền địa phương đã sơ tán 18.100 người sau khi cơn bão làm sập một số cây cầu và cô lập 130 cộng đồng dân cư, gây thiệt hại 3.500 ngôi nhà.
Mặc dù Cuba, Jamaica và Bahamas trực tiếp hứng bão Sandy, số thương vong phần lớn lại ở Haiti - nơi xảy ra mưa lớn liên tiếp từ hôm 23/10 tới nay. Đã có 44 người chết tại Haiti và khả năng số thương vong sẽ còn tăng cao do nhiều khu vực đồi núi dễ xảy ra lũ quét.
Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe cho biết: "Đây là một thảm họa. Cả vùng phía nam Haiti đã bị nhấn chìm trong nước". Chính quyền Haiti ước tính thiệt hại do bão Sandy gây ra lên đến hàng trăm triệu USD bởi phần lớn mùa màng đã bị hư hại.
Haiti còn bị một dòng sông ở phía bắc thủ đô Port-au-Prince đe dọa do mực nước lên cao. Nếu sông này vỡ bờ, ước tính sẽ có hàng nghìn người thiếu lương thực. Hiện có khoảng 370.000 người Haiti đang tạm trú trong các khu sơ tán, bao gồm cả những người còn tạm trú vì mất nhà sau trận siêu động đất năm 2010./.