Dẫn kết quả nghiên cứu công bố ngày 9/5 của Trung tâm Nghiên cứu đại dương Helmholtz của Đức cho thấy nếu không giảm nhanh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ánh sáng Mặt Trời từ chỗ là nguồn sống thiết yếu sẽ nhanh chóng trở thành "thủ phạm" tiêu diệt các loài phù du - yếu tố sống còn trong dây chuyền lương thực, thực phẩm của các đại dương, do tác động ngày càng tăng của tình trạng axít hóa các đại dương và ánh sáng tự nhiên. Đại dương hấp thu tới 30% lượng ôxít cácbon (CO2) thải vào khí quyển từ đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, khiến hàm lượng axít trong các đại dương đã tăng thêm hơn 30% so với cách đây chưa đầy 10 năm.
Trong khi đó, Phòng Thí nghiệm đại dương Plymouth của Anh dự báo vào năm 2040, hàm lượng axít cao khiến Bắc Băng Dương không còn là môi trường sống thích hợp cho các loài sinh vật có vỏ như tôm, cua, sò, hến… và phần lớn các loài sinh vật phù du. Nhiều khu vực lớn ở Nam Băng Dương cũng bị tác động tương tự. Nước lạnh của các vùng cực Trái Đất hấp thụ nhiều CO2 hơn và với tốc độ nhanh hơn khiến các đại dương ở Bắc và Nam Cực bị axít hóa nhanh hơn so với cả quá trình lịch sử hơn 60 triệu năm qua. Sự nóng lên của Trái Đất cũng làm tăng nhiệt độ và làm giảm lượng ôxi hòa tan trong nước biển ở nhiều khu vực của đại dương toàn cầu. Đây cũng là nhân tố tiềm tàng đe dọa sự sống trong các đại dương.
Các nhà khoa học LHQ và quốc tế nhấn mạnh tác động của axít hóa các đại dương đối với các sinh vật phù du có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo và có thể diễn ra trước năm 2100 nếu thế giới không khẩn cấp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học cũng cảnh báo những thay đổi ở các đại dương đang xảy ra quá nhanh đối với hầu hết các loài sinh vật sống trong lòng các đại dương này. Nguy cơ biến mất đa dạng sinh học ở các đại dương, nơi chiếm tới 80% sự sống trên Trái Đất, đang dần trở thành hiện thực./.