Tác động lớn
Chuyên gia cao cấp môi trường C.Rodgers cho biết, các thay đổi về nguồn nước cấp sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất điện từ thủy điện. BĐKH làm thay đổi về lượng mưa ảnh hưởng tới chu kỳ thủy văn và dòng chảy của sông, dẫn đến thay đổi sản lượng phát của các dự án thủy điện. Lượng trầm tích tăng lên cũng có thể làm tăng tốc độ bồi lắng lòng hồ và làm tuabin máy phát chóng hư hỏng, dẫn tới giảm sản lượng phát điện.
Sự thay đổi về nhiệt độ, không khí và nước sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện. Khi nhiệt độ không khí cao hơn sẽ làm giảm hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện, dẫn tới làm giảm sản lượng phát điện - đôi khi lại trùng hợp với nhu cầu đỉnh trong giai đoạn nắng nóng. Nhiệt độ nước tăng có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới hệ thống làm mát của các nhà máy nhiệt điện, điện nguyên tử và vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng về nước làm mát. Sử dụng hệ thống làm mát tiên tiến (làm mát khô) cho nhiệt điện giúp giảm hoặc loại bỏ việc phụ thuộc vào nước sạch trong các vùng dự báo thiếu nước. Tuy nhiên, các công nghệ này thường đắt đỏ và có thể gây ra các tổn thất về hiệu suất.
Ngoài ra, nước biển dâng và các thay đổi về tốc độ gió và mây che phủ cũng như tần suất về cường độ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tác động trực tiếp tới hạ tầng ngành năng lượng. Khi thay đổi tốc độ, chiều hướng gió, vùng xoáy của khí quyển có thể tác động tới sản lượng của các dự án phong điện và điện mặt trời.
Đối với hạ tầng năng lượng cũng như các nhà máy lọc dầu, khí gas, các bể chứa và tuyến đường ống dẫn ở các vùng thấp ven biển đang chịu những rủi ro ngày càng tăng về mức độ hư hỏng, gãy vỡ và chi phí bảo trì cao hơn. Sự xâm nhập mặn có thể làm ăn mòn các vật tư sử dụng trong sản xuất và phân phối năng lượng. Tính toàn vẹn về cấu trúc của hạ tầng năng lượng có thể bị phá vỡ do các đợt nắng nóng tăng lên cũng như các đợt lạnh trái mùa.
Chuyên gia C.Rodgers phân tích, khi nhiệt độ nóng hơn, đặc biệt là trong các đợt nóng, sẽ làm tăng nhu cầu về điều hòa không khí; còn mực nước thấp hơn, sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng cho việc bơm nước ngầm. Việc tăng bơm nước sẽ làm tăng tính dễ tổn thương do thiếu nước và dẫn đến việc lún đất. Quá trình khử mặn được coi như là một cách ứng phó với sự thiếu hụt nước ngầm hoặc nước bề mặt trong khu vực, nhưng quá trình này đòi hỏi một lượng lớn năng lượng.
Giải pháp thích ứng
Ông C.Rodgers cho rằng, các quyết định đầu tư cho năng lượng có thời gian triển khai lâu dài bởi các nhà máy điện và lưới điện thường có tuổi thọ 40 năm hoặc lâu hơn. Chính vì vậy, cần xem xét các biện pháp, giải pháp thích ứng đối với ngành năng lượng trong điều kiện tác động của BĐKH gia tăng.
Theo đó, cần triển khai xây dựng các đê biển hoặc triển khai trồng rừng ngập mặn để bảo vệ hạ tầng năng lượng tại các khu vực thấp dưới tác động của nước biển dâng hay sóng dâng do bão; phải điều chỉnh thiết kế hạ tầng để chịu đựng được các điều kiện thay đổi, nhằm bảo vệ các hệ thống phát dẫn điện; tăng lượng nước cấp và điều chỉnh hay thiết kế lại các quá trình làm mát bằng không khí để đối phó với việc tăng nhiệt độ không khí và nước; cải thiện quản lý lưu vực sông để điều tiết chu kỳ thủy văn và giảm tải trầm tích, từ đó, duy trì các mức sản xuất thủy điện; cải thiện quy hoạch lựa chọn công nghệ và địa điểm cho các cơ sở năng lượng, sử dụng thông tin về các khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi tác động BĐKH và thiên tai; khuyến khích phát triển năng lượng gió và mặt trời như những nguồn năng lượng thay thế ở các địa điểm phù hợp; cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho các nhà chức trách về năng lượng cũng như các bên hữu quan để ứng phó với các tác động của khí hậu và thiên tai.