Ngoài ra, để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 mà đặc biệt là mùa mưa năm nay, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống thiên tai, tỉnh Bình Dương tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu qủa hoạt động Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của các địa phương; tổ chức kiểm tra các công trình thuỷ lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện hư hỏng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả công trình; sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý kịp thời với các sự cố do thiên tai gây ra với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, diễn biến thời tiết trong các năm gần đây có những dấu hiệu thất thường, trái với quy luật. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm 1 người chết, 5 người bị thương, sập và tốc mái 133 căn nhà, 4 phòng học, 123 phòng trọ, gây đổ 33.557 cây cao su … thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
* UBND tỉnh Bắc Giang vừa yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, bão gây ra.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình liên quan đến đê điều đang thi công và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra, rà soát, bổ sung đánh giá chất lượng đê điều; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy trình vận hành các công trình cống dưới đê, hồ đập và các công trình thủy lợi khác; kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê, kè, cống xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê trong điều kiện có bão, lũ lớn, cực lớn, đặc biệt là phương án chống tràn.
Để chủ động phòng, chống ngập úng trong mùa mưa, nhất là đối với lúa chiêm đang trong giai đoạn thu hoạch và lúa mùa mới cấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai toàn bộ các công trình chống úng, tổ chức vận hành thử và khẩn trương sửa chữa các hư hỏng, ưu tiên các cống và các trạm bơm tiêu trực tiếp ra sông, đảm bảo 100% công trình, máy móc thiết bị có đủ điều kiện sử dụng và vận hành hiệu quả trong suốt mùa mưa lũ. Các địa phương cần tổ chức tháo dỡ các vật cản trong lòng kênh, khơi thông dòng chảy trên các trục kênh tiêu, nhất là kênh dẫn vào các trạm bơm; có kế hoạch tưới tiêu và phương án phòng, chống úng ngập; vận hành hệ thống công trình thủy lợi theo quy trình và phương án phòng, chống ngập úng đã được phê duyệt; bố trí các phương tiện dã chiến để đảm bảo tiêu úng hiệu quả cho các tiểu vùng, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản và cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và các đầu mối khác, nghiêm chỉnh chấp hành quy trình vận hành trong mùa lũ đã được phê duyệt; kịp thời tiêu úng các khu công nghiệp, đô thị, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
UBND các huyện, thành phố chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến; tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để giải quyết kịp thời những thiếu sót; thực hiện nghiêm túc việc tuần tra canh gác đê theo cấp báo động....