Lượng bụi mịn cao gây nhiều gánh nặng bệnh tật
Cao hơn ngưỡng quy chuẩn rất nhiều
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam, nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP HCM vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người ở mức báo động.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (Đại học Công nghệ) nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 μg/m3 đến 39,4μg/m3. Các quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất; các huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây… có nồng độ bụi PM2.5 thấp hơn. Tuy nhiên, cả khi Ba Vì có nồng độ PM2.5 thấp nhất thì vẫn cao hơn ngưỡng quy chuẩn quốc gia do Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra.
Lượng bụi mịn cao, vì vậy gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 không hề nhỏ. Cụ thể, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân. Với kích thước dưới 2,5 micron, bụi mịn dễ xuyên sâu vào phế nang và mạch máu khi hít thở, mang theo nhiều độc tố, gây ra các bệnh hô hấp và tim mạch. Vì vậy, với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 hàng năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do 2 nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với các hạt bụi mịn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn tai mắt, mũi, họng, phổi; tiếp xúc lâu dài sẽ gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi; tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan…
Bụi mịn từ đâu ra?
Những nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua cho thấy các nguồn bụi mịn chính, thường xuyên tác động đến chất lượng không khí tại các khu đô thị Hà Nội, bao gồm bụi do giao thông, bụi đất lơ lửng, tro bay từ các bếp than tổ ong và đốt sinh khối, bụi có nguồn gốc từ chất thải… Nhưng nhiều nhất vẫn là phát thải từ hơn hàng triệu phương tiện giao thông mà đa phần là xe máy. Bởi theo các nhà nghiên cứu, trong khói bụi từ xe cộ có dạng hạt, gọi là hạt nguyên khai (primary particle), bao gồm bụi đất do xe tốc lên từ nền đường, vỉa hè, sản phẩm bào mòn động cơ, phanh, lốp, và hạt thải ra từ ống xả do nhiên liệu không cháy hết như carbon đen (mù hóng), rất độc.
Nồng độ bụi biến động hàng giờ, hàng ngày, ban đêm có thể cao hơn ban ngày, mùa đông luôn cao hơn mùa hè… tùy thuộc vào điều kiện khí tượng, thời tiết. Và vì vậy, ô nhiễm không khí Hà Nội cũng diễn biến theo mùa, trong đó thời gian ô nhiễm nhất vào mùa đông, tập trung từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Là bởi do điều kiện khí tượng mùa đông thuận lợi cho sự hình thành của hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không thể phát tán được. Vào mùa hè, đặc biệt khoảng thời gian từ tháng 5-7, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện do tác động của điều kiện khí tượng mưa nhiều.
Làm thế nào để giảm lượng bụi mịn, bảo vệ sức khỏe cho người dân? Các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách là cần lập và thực hiện kế hoạch liên ngành ứng phó với ô nhiễm không khí, bao gồm các hướng dẫn y tế và biện pháp bảo vệ sức khỏe, biện pháp hạn chế nguồn thải tương ứng với các mức ô nhiễm không khí; phát triển hệ thống dự báo chất lượng không khí và cảnh báo các đợt ô nhiễm không khí; truyền thông, nâng cao nhận thức...
Cụ thể hơn là, các cơ quan quy hoạch và quản lý đô thị cần kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, vừa làm đầu vào cho các mô hình phát tán trong nghiên cứu môi trường không khí.