Tỉnh cũng tăng cường bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát hiệu quả khí mê – tan và các khí nhà kính khác từ các bãi chôn lấp chất thải; ứng phó với biến đổi khí hậu trên các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, năng lượng, xây dựng, y tế, du lịch, khoa học công nghệ và giao thông vận tải; thực hiện các giải pháp về an sinh xã hội và sức khoẻ cộng đồng; vận động tài trợ quốc tế cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Xây dựng; Sở Lao động - Thương binh & Xã hội khẩn trương triển khai thực hiện 25 danh mục có liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2012 – 2015 và hướng tới năm 2020.
Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Nhận thức rõ hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên tỉnh Cà Mau đã sớm tích cực chủ động đề ra các biện pháp dài hạn để đối phó; mục đích là để bảo vệ an toàn các thành tựu kinh tế xã hội, cũng như bảo đảm an toàn đời sống của người dân . Để triển khai các chương trình trên có hiệu quả, tỉnh Cà Mau cần có nguồn kinh phí lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Hiện nay địa phương tập trung huy động từ nhiều nguồn: Hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tham gia của cộng đồng, vốn từ trung ương và địa phương, trong đó nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế là rất quan trọng .
Cà Mau là tỉnh đặc thù có 3 bề là biển, có bờ biển chiều dài lên tới 252 km. Tỉnh có đê biển Đông và đê biển Tây dài hơn 130 km. Đây là vùng rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Cà Mau đứng trong tốp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, việc chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp cụ thể để đối phó là hướng đi tích cực .