Tại địa bàn huyện Ia Pa do trời mưa to kéo dài trong 3 ngày 5, 6, 7/10, kết hợp việc đập thủy lợi Ayun Hạ cùng lúc xả 2 cửa lũ từ đêm qua đã gây ngập úng nhiều nhà dân và thiệt hại nhiều diện tích hoa màu tại 4 xã phía Đông sông Ba và xã Ia Trôk. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ này là 2 xã Ia Trôk và Ia Broái. Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Ia Pa cho biết: Nước sông Ba dâng cao tràn qua đập tràn buôn Tông Ố, chia tách 2 buôn Dứ Ma Uốt và Dứ Ma Hoét xã Ia Broái, đồng thời gây ngập úng một số nhà dân thôn Quý Đức, xã Ia Trôk và trên 100 ha hoa màu của nhân dân trong huyện. Ngay sau khi nhận được thông báo xả lũ, UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo các ban, ngành và chính quyền các xã nhanh chóng triển khai kế hoạch đối phó với mưa lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đến 5 giờ sáng 7/10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương, bắt buộc phải di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn ở những nơi xung yếu như cầu Quý Đức, cầu Bến Mộng và 2 buôn Dứ.
Tại thị xã Ayun Pa, do cầu và đường buôn Hing là lối đi duy nhất vào xóm lò gạch thuộc phường Sông Bờ thi công chưa xong, nên nước lũ dâng cao, chia cắt gần chục hộ dân khu vực này. Từ chiều tối 6/10, chính quyền đã phải dùng ca nô để di dời toàn bộ người dân xóm lò gạch vào khu vực cao trong nội thị an toàn.
Tại huyện Krông Pa, nước lũ sông ba và các suối lên cao cũng đã gây ngập tràn suối Ia Bang thuộc xã Chư Drăng, chia cắt, cô lập hoàn toàn xã này với bên ngoài. Các xã phía bên kia sông Ba gồm Ia Rmọk, Ia Hdreh, Krông Năng cũng bị chia cắt, cô lập với bên ngoài vì nước lũ lên cao, chính quyền buộc phải nghiêm cấm tất cả các bến đò không được hoạt động để chờ nước rút. Có 5 ha lúa đang trổ bông tại cánh đồng Phú Cần cũng bị nước lũ dâng ngập, gây thiệt hại hoàn toàn.
Đến ngày 8/10, nước sông đã cơ bản rút và người dân đã bắt đầu trở về với làng, dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, mưa lớn làm nước lũ dâng cao cũng đã làm thiệt hại hàng chục ha hoa màu, cuốn trôi nhiều nhà cửa, sạt lở nhiều tuyến đường, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thị xã Ajun Pa chịu thiệt hại nặng nề nhất, mưa lũ đã làm ngập hơn 50 ha lúa 3 vụ, 0,5 ha hoa màu các loại; gây ngập lụt 5 tấn xi măng làm đường giao thông nông thôn; ngập 28 nhà dân, tổng giá trị thiệt hơn hơn 1,1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Thủy sản Gia Lai cho biết: Hiện các huyện đang tiếp tục khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra, ở các điểm bị chia cắt, cô lập, người dân phải sơ tán đến hôm nay đã trở về dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Hiện con số thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra chưa thể thống kê được vì các huyện, thị xã đang tiếp tục theo dõi, thu thập những thiệt hại của bà con. Tuy nhiên, những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, tỉnh đã chỉ đạo các huyện sử dụng nguồn ngân sách của địa phương, hỗ trợ những gia đình chịu thiệt hại nặng nề nhất, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
* Theo Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đến sáng 8/10 lũ ở hạ lưu các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn, sông Ba lên chậm; thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn và các sông ở Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống. Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Ba tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó xuống chậm; lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định dao động ở mức dưới mức báo động 1.
Để bảo đảm tính mạng và tài sản của dân, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 5.260 hộ/19.733 người (trong đó Quảng Ngãi: 212 hộ; Bình Định: 1.355 hộ/7.860 người; Phú Yên: 3.634 hộ/11.748 người, Gia Lai: 20 hộ).
Do ảnh hưởng bão số 7, đến nay đã có 1 người chết (Đắk Lắk), 1 người mất tích (Quảng Nam), 1 người bị thương (Bình Định). Tổng số nhà bị sập, ngập, hư hại 539 cái (Đắk Lắk: 490 cái, Gia Lai: 48 cái, Quảng Ngãi: 1 cái). Tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại 210 ha; diện tích hoa màu bị ngập, hư hại 245 ha.