Văn phòng thường trực BCĐPCLBTW - Văn phòng UBQGTKCN đôn đốc Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố: Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An, Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Bạc Liêu, Khánh Hòa, tiếp tục theo dõi diễn biến của lũ sau bão để chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, thống kê tình hình thiệt hại; triển khai nhanh công tác khắc phục hậu quả, nhất là đưa dân sơ tán về nơi ở cũ an toàn, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở vùng bị lũ bão.
Riêng Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục chỉ đạo Cảnh sát Biển cứu nạn tàu Qng 90046TS với 11 lao động tại khu vực đảo Phú Lâm - Hoàng Sa; đến chiều 2/4 đã cập mạn, dự kiến ngày 5/4 về đến cảng Kỳ Hà.
Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Do số lượng cây xanh trên các tuyến đường, công viên trên địa bàn thành phố bị gẫy đổ khá nhiều sau cơn bão số 1 nên dự kiến mất khoảng 1 tuần, lực lượng công nhân cây xanh mới khắc phục, xử lý xong số lượng cây bị ngã đổ, gẫy nhánh, trong đó công ty cố gắng xử lý cây đổ, gẫy tại khu vực trung tâm thành phố xong trước ngày 4/4.
Trên địa bàn thành phố đã tổng hợp được 376 cây xanh bị ngã đổ, hơn 110 cây bị gẫy nhánh, trong đó có 40 cây loại 3 (trên 50 năm tuổi), 252 cây loại 2 (trên 10 năm tuổi). Các chủng loại cây bị gẫy đổ chủ yếu là lim sẹt, sọ khỉ, dầu, sao đen, me chua, bằng lăng… Tính đến 17 giờ ngày 2/4 Công ty Công viên cây xanh thành phố ghi nhận, có một trường hợp cây xanh gẫy đổ trên đường Ba Tháng Hai, quận 10 làm gẫy vai một người dân, hư hỏng xe máy; cây xanh cũng đè vào một xe taxi trên đường Trần Quốc Hoàn, quận Tân Bình… Đến chiều 3/4, tại nhiều tuyến đường, công viên trên địa bàn thành phố vẫn còn ngổn ngang cây xanh ngã đổ do cơn bão số 1 gây ra.
Để xử lý, giải tỏa nhanh cây xanh bị gẫy đổ ngay sau cơn bão số 1, Công ty Công viên cây xanh TP.Hồ Chí Minh đã huy động hơn 400 công nhân làm việc liên tục để cắt tỉa, thu hồi rác (cành nhánh, lá cây) trên các tuyến đường. Theo ông Trần Thiện Hà, hiện công nhân các đơn vị trực thuộc Công ty đang tiếp tục xử lý những cây bị bật gốc đè nhà dân, cây vướng vào đường dây điện, những cành nhánh bị gẫy còn vướng trên cây, trong đó đặc biệt ưu tiên giải quyết những cây mất an toàn, cây cản trở giao thông.
Công ty Công viên cây xanh TP.Hồ Chí Minh cũng đã công bố số điện thoại nóng 08.39.351.351 và 08.39.557.755, khi người dân phát hiện cây xanh bị gẫy đổ hoặc có nguy cơ gẫy đổ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản có thể gọi đến bất cứ thời gian nào, công nhân Công ty sẽ có mặt để xử lý kịp thời.
Trên địa bàn đã có 13 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn 260 căn nhà, trường học bị tốc mái, hư hại nặng. Tổng số tuyến điện trung thế bị sự cố trong chiều và tối 1/4 là 85 tuyến; ngành điện lực đã xử lý được 72 tuyến, những tuyến còn lại ngành điện lực đang tiếp tục phối hợp với Công ty cây xanh và Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để xử lý trong thời gian sớm nhất.
Hiện UBND TP.Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các đơn vị, quận, huyện, sở, ngành liên quan tiếp tục thống kê các con số thiệt hại về người và tài sản, kịp thời báo cáo để UBND triển khai các giải pháp hỗ trợ; khẩn trương dọn dẹp cây xanh, cáp điện, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, đồng thời rà soát những cây xanh có nguy cơ ngã đổ để có giải pháp khắc phục kịp thời; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm tại các quận, huyện chưa có phương án chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 gây ra. Về lâu dài, các ngành xây dựng, tài nguyên và môi trường phải định hướng người dân trong thiết kế, xây dựng nhà ở có thể phòng chống các thiệt hại do bão gây ra; tổ chức tập huấn cho người dân ý thức, kỹ năng di dời khi có bão; bổ sung các phương án cứu hộ, cứu nạn, cứu sập khi có sự cố do thiên tai gây nên. Theo chỉ đạo của UBND TP.Hồ Chí Minh, chậm nhất đến ngày 4/4, các quận, huyện phải hoàn thành công tác thăm hỏi, động viên bà con bị thiệt hại do bão gây ra, tổ chức khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ” một cách hiệu quả.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu tất cả các huyện, thị nhanh chóng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, ổn định cuộc sống, đồng thời thống kê cụ thể, chi tiết mức độ thiệt hại để sớm hỗ trợ người dân theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Song đối với những hộ không chấp hành yêu cầu của các cơ quan chức năng di chuyển đến nơi tránh trú, cụ thể như 14 tàu bị chìm ở Bãi Trước TP.Vũng Tàu, do không chấp hành di chuyển đến nơi tránh bão sẽ không được hỗ trợ; đồng thời báo cáo, đề xuất xử lý những đơn vị, cá nhân không phối hợp với cơ quan chức năng gây ra hậu quả; Điện lực tỉnh tiến hành ngay việc khôi phục lưới điện do cây ngã đổ đè, đảm bảo người dân sớm có điện sinh hoạt trở lại.
UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các huyện, thị tăng cường hỗ trợ dân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, đồng thời sớm lợp lại các nhà dân bị tốc mái, nhất là chỗ trọ cho công nhân lao động; khắc phục nối lại nguồn điện để sớm ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Những cơn mưa lớn kéo dài liên tục từ ngày 1/4 đến tối 2/4 cũng đã gây thiệt hại đáng kể cho người dân trên địa bàn cho các huyện Đồng Phú, Bù Đăng và thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, ở trung tâm thị xã Đồng Xoài, nhiều ngôi nhà bị ngập trong biển nước do ảnh hưởng của bão số 1. Người dân nơi đây đã chủ động trợ giúp lẫn nhau đắp bờ bao ngăn nước lũ không để gây ngập trên diện rộng, dọn dẹp cây cối bị gãy đổ...
Theo số liệu cập nhật đến 14 giờ ngày 3/4 của Ban Chỉ huy PCLB TKCN tỉnh Đồng Nai: Toàn tỉnh đã có 1 người chết và 9 người bị thương do bão số 1 gây ra. Về thiệt hại tài sản đã có 1.711 căn nhà bị tốc mái, trong đó những địa phương có nhà bị tốc mái nhiều như huyện Cẩm Mỹ gần 340 căn, Nhơn Trạch 336 căn, Long Thành 300 căn. Có 134 nhà dân bị gió đánh sập hoàn toàn; 9 phòng học bị tốc mái, 2 phòng học bị sập; 6 trang trại chăn nuôi bị sập, 55 trang trại bị tốc mái. Toàn tỉnh còn có trên 34.000 cây cao su bị đổ; 1.000 cây chôm chôm, 3.000 cây mít, 4.000 cây điều, 550 gốc tiêu; 618ha lúa, 140ha ngô, 40ha rau màu và đậu.. bị ngập.
Hiện Đồng Nai đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng cùng với người dân tham gia khắc phục hậu quả do bão gây ra.Ban Chỉ huy PCLB TKCN tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương huy động lực lượng xuống những vùng bị thiệt hại để giúp đỡ người dân. Ngành điện lực đã khắc phục xong 29 tuyến đường điện trung thế bị sự cố do bão gây ra để kịp thời cung cấp điện cho người dân. Xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch cũng đang huy động lực lượng khắc phục 2 cây cầu bị gãy để phục vụ người dân đi lại.
Tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ gia đình nạn nhân bị chết tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa 6,5 triệu đồng; ngành y tế địa phương đang tiến hành triển khai công tác khám chữa bệnh cho người bị nạn, kiểm soát tình hình dịch bệnh ô nhiễm sau bão. Các địa phương cũng đang triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh, tẩy rửa và thực hiện các bước y tế dự phòng theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng ngừa dịch bệnh.
Sau khi bão tan và yếu dần, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là các địa phương ven biển, khu vực làm muối, trồng lúa khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Đến chiều 3/4, có 100% nhà dân bị sập và tốc mái đã được gia cố, dựng lại, che chắn an toàn, giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống. Riêng đối với những căn nhà bị sập hoàn toàn, địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ thiên tai, cùng vận động cơ quan, ngành, đoàn thể, dòng họ, người thân… để xây dựng lại nhà mới trong thời gian sớm nhất.
Riêng đối với diện tích sản xuất muối, lúa, hoa màu thiệt hại, tỉnh đang chỉ đạo cán bộ xuống nắm chính xác mức độ thiệt hại; đồng thời vận động lực lượng vũ trang, quân đội, giúp dân thu hoạch diện tích lúa bị đổ, ngã, cũng như diện tích muối còn lại trên đồng, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại cho bà con. Khó khăn hiện nay là hàng trăm ha lúa Đông Xuân bị đổ, ngập nước nên không thể đưa cơ giới hóa vào thu hoạch, còn thu hoạch thủ công giá đội lên 500.000 đồng/công (1.000m2), tăng gần gấp đôi so với ngày thường, mà vẫn không tìm được lao động.