Ngày 8/9, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc đã tạnh mưa nhưng tình trạng ngập lụt còn diễn biến phức tạp. Mực nước ở các sông trong khu vực vẫn đang lên.
Theo báo cáo nhanh của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, đến sáng nay, nước lũ đã rút nhiều so với ngày hôm qua (7/9), nhưng mực nước trên các sông vẫn đang lên. Mưa lũ đã làm ít nhất 12 người chết và mất tích (trong đó tại Thanh Hóa có 5 người, Nghệ An 4 người, Hà Tĩnh 2 người), hơn 45.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, trong đó nhiều diện tích lúa hè thu tới kỳ thu hoạch có nguy cơ mất trắng do bị ngập chìm trong nước. Hơn 7.000 nhà dân bị ngập, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã ở 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh bị sạt lở, ngập sâu, gây ách tắc giao thông.
Tại tỉnh Nghệ An, đến nay đã có 4 người chết và gần chục người bị thương; nhiều cầu cống, công trình thủy lợi bị sạt lở, kênh mương hư hỏng nặng… Cầu tràn các xã Mậu Ðức, Ðôn Phục huyện Con Cuông bị nước lũ phá hủy. Nhiều tuyến đường như quốc lộ 15A, quốc lộ 7A... bị ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt. Tại huyện Tân Kỳ, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi 2 cây cầu làm cô lập 2 xã Đồng Văn và Tiên Kỳ.
Hôm nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Tân Kỳ đã xuống kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo địa phương sử dụng các vật liệu sẵn có khắc phục cầu tạm để nhân dân đi lại được.
Ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết: “Nước đang lên nhưng chỗ nào lúa chín thì phải gặt, kể cả trong nước cũng phải gặt, còn chỗ nào chưa chín phải chờ nước rút. Nước rút tới đâu, chúng tôi cho rửa cây tới đó để lúa phục hồi trở lại, kể cả những các cây trồng khác cũng vậy”.
Sáng nay, Bộ đội biên phòng Nghệ An tiếp tục huy động gần 100 chiến sĩ xuống các địa phương bị ngập úng để giúp dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn; và đắp lại các đoạn đê và đường bị sạt lở.
Đại tá Hoàng Văn Năm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: “Những nơi có nguy cơ bị ngập, lực lượng bộ đội biên phòng Nghệ An đã triển khai các biện pháp và huy động các anh em cán bộ chiến sĩ xuống giúp dân đi sơ tán. Hầu hết các các đồn biên phòng nằm trong khu vực trọng yếu như: đồn 543, đồn 547… đều cho các lực lượng xuống để giúp dân và vận động nhân dân vào vùng an toàn như ở khu vực Kỳ Sơn ở xã Mường Tít, Mường Ải, chỗ Tương Dương…”.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù nước lũ ở sông Ngàn Sâu đã rút nhưng đến thời điểm này, đường xuống một số thôn ở các xã Hương Điền, Phương Mỹ, Hương Đô của huyện Hương Khê vẫn chìm sâu trong nước, người dân phải đi lại bằng thuyền.
Do nước ngập quá cao nên khi nước rút đi nước bẩn ở các ao hồ tù đọng và nước thải ngấm vào nước giếng sinh hoạt của người dân, dễ gây các bệnh về đường tiêu hóa nếu không được xử lý trước khi sử dụng. Vì vậy, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã cử cán bộ xuống phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng huyện Hương Khê và các trạm y tế xã đi kiểm tra và hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch bệnh; đồng thời hỗ trợ hóa chất để xử lý nguồn nước.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh nói: “Với phương châm nước rút tới đâu xử lý tới đó, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường hỗ trợ cho trung tâm y tế dự phòng huyện Hương Khê là 70 kg Cloramin B, 36 lít hóa chất và một số trang thiết bị hóa chất để làm công tác xử lý vệ sinh môi trường, cũng như xử lý nước cho hộ gia đình sau lũ”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, trời đã giảm mưa từ tối qua, nhưng trưa nay, mưa to lại xuất hiện trở lại. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 5 người chết, 100 ngôi nhà bị cuốn trôi; trên 2.300 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; gần 20.000 ha lúa, mía và hoa màu các loại bị ngập; hơn 900 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ; 27 hồ đập nhỏ bị vỡ; 2 đoạn đê sông Chu dài 115 m bị nứt; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông… Riêng tại huyện Ngọc Lặc có 12 hồ đập nhỏ bị vỡ và nhiều hồ đập khác đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Bùi Trung Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc cho biết, địa phương đang huy động lực lượng và xin hỗ trợ từ tỉnh để khắc phục các hồ đập bị sạt lở. “Hiện nay có 3 đập mà chúng tôi tập trung khắc phục là đập Dốc Vả của xã Ngọc Liên, đập làng Cốc của xã Phùng Minh, đập tràn của xã Phùng Giáo sạt rất lớn. Hôm qua, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh, của huyện đã tập trung chỉ đạo dân và huy động toàn bộ lực lượng của các xã lân cận đến khắc phục. Hiện nay ở các đập này chỉ còn tràn, không vỡ. Vì vậy, chúng tôi phải chờ hết mưa, hết nước để khắc phục”.
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp gây nhiều thiệt hại, ngày 8/9, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn gạo để cứu đói cho dân vùng lũ; xin hỗ trợ 30 cơ số thuốc chữa bệnh và một số giống ngô, rau màu các loại để giúp dân khôi phục sản xuất sau lũ. Đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ 250 tỉ đồng để tu bổ, khắc phục các đoạn đê kè bị sạt lở và các hồ đập bị hư hỏng, khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng do lũ gây ra./.