Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nâng cửa cống số 8B xã Giao Long (Giao Thủy) để đưa 18 thuyền cá vào bờ an toàn. |
Huyện Giao Thủy có trên 32km đê biển với 934 tàu thuyền, trong đó có 878 tàu đánh cá ven bờ, 992 chòi canh ngao, 290 đầm nuôi tôm, 2.723 người dân sống ngoài khu vực đê Trung ương. Trước khi bão số 8 đổ bộ, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, chỉ còn khoảng 300ha lúa chưa thu hoạch; kêu gọi các tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn; vận động và đưa các chủ chòi canh ngao vạng vào bờ; tổ chức sơ tán cho các hộ gia đình sinh sống ở ngoài đê Trung ương vào nơi trú ẩn ở các xã sâu trong đất liền. Tại buổi họp nhanh với Ban chỉ huy PCLB huyện, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp khẩn trương phòng chống bão số 8, đồng thời yêu cầu huyện phối hợp với các ngành tập trung vận động tất cả các hộ dân trước 9 giờ sáng 28-10 phải vào bờ trú ẩn an toàn; yêu cầu các hộ dân kinh doanh du lịch Khu du lịch biển Quất Lâm phải sơ tán vào nơi an toàn tuyệt đối. Các ngành cần tập trung nhân lực, vật tư để gia cố lại các tuyến đê xung yếu, thường xuyên túc trực, kịp thời ứng phó đề phòng các trường hợp bất ngờ xảy ra; cán bộ, chiến sỹ lực lượng BĐBP tỉnh hướng dẫn các tàu thuyền vào bờ an toàn, neo đậu đúng kỹ thuật tránh để gió to, sóng lớn gây hư hại. Sau khi làm việc với Ban chỉ huy PCLB huyện, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tuyến đê biển của huyện, trong đó có cống Thanh Niên - điểm xung yếu của toàn tuyến đê biển tỉnh, chỉ đạo các lực lượng chức năng đưa 18 thuyền của ngư dân qua đường cống số 8B, địa phận xã Giao Long vào nơi trú ẩn an toàn; kiểm tra công tác sơ tán của xóm Tân Hồng, xã Giao Thiện nơi có 29 nhà dân với gần 90 khẩu. Cho đến thời điểm trưa 28-10 trước khi bão đổ bộ vào đất liền, toàn bộ số tàu thuyền của huyện Giao Thủy đã vào bờ trú ẩn; 824 chủ các chòi canh, 270 chủ đầm nuôi tôm và tất cả 2.723 dân sống ở ngoài khu vực đê Trung ương đã tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tàu thuyền vào nơi neo đậu trú ẩn an toàn ở khu vực cửa cống Quần Vinh 1, xã Nghĩa Thắng huyện Nghĩa Hưng |
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác PCLB ở huyện Nghĩa Hưng; kiểm tra các điểm đê xung yếu: cống Quần Vinh, địa phận xã Nghĩa Thắng; đê Cồn Xanh, xã Nam Điền. Ban Chỉ huy PCLB huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các xã ven biển huy động trên 300 thanh niên xung kích; Cty Xây dựng Xuân Khiêm huy động trên 40 công nhân; chuẩn bị các phương tiện và vật tư “4 tại chỗ” như: máy xúc, máy cẩu, rọ đá hộc, các cấu kiện bê tông... túc trực thường xuyên tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý giờ đầu. Theo ghi nhận ở Nghĩa Hưng, từ chiều ngày 27-10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển và lực lượng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn; sơ tán trên 1.000 dân ở các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, ngao vạng; tổ chức các tổ đội xung kích ứng trực ở các điếm canh đê từ 7-10 người. Sở NN và PTNT đã bổ sung trên 20 nghìn m2 bạt để chống tràn trên đê Cồn Xanh. Ban chỉ huy PCLB huyện Nghĩa Hưng cũng đã chỉ đạo đôn đốc các hộ dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra đê đoạn cống Quần Vinh 2, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).Ảnh: Thanh Tuấn |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương tinh thần PCLB của huyện Nghĩa Hưng và chỉ đạo các ngành, đơn vị của huyện và các xã ven biển tập trung nhân lực, vật tư tại chỗ để xử lý giờ đầu ngay trong sáng 28-10; chú ý các điểm xung yếu khu vực cống Quần Vinh 2, đê Cồn Xanh. Đối với điểm xung yếu cống Quần Vinh 2, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB huyện phối hợp với đơn vị thi công bốc xếp các cấu kiện bê tông để tạo bờ làm giảm cường độ sóng, tránh sóng làm sói lở thân đê. Đối với điểm xung yếu đê Cồn Xanh, cần nhanh chóng trải bạt chống tràn, hạn chế tối đa thiệt hại. Các địa phương cần kêu gọi, vận động nhân dân, nếu cần thiết phải cưỡng chế, không được để người ở lại các chòi canh, tàu thuyền. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng cần có phương án tiêu úng cho cây màu vụ đông khi có mưa lớn. Các lực lượng xung kích, lực lượng hộ đê thường xuyên túc trực, sẵn sàng xử lý sự cố khi có tình huống xảy ra. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 8 ở huyện Hải Hậu. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe huyện Hải Hậu báo cáo tình hình phòng chống, ứng phó với cơn bão số 8 và kiểm tra những đoạn đê biển, cống, đập xung yếu trên địa bàn các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Hòa, Hải Lý...
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cống Phúc Hải thuộc xã Hải Phúc (Hải Hậu). |
Thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh, huyện Hải Hậu đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với bão. Huyện đã đôn đốc nông dân thu hoạch lúa mùa chạy bão, toàn huyện đã gặt được 10.000ha lúa đại trà, chiếm hơn 90% diện tích gieo cấy. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu đã mở cống tiêu rút đảm bảo mực nước ở mức thấp nhất. Huyện đã chỉ đạo các xã, đơn vị chức năng trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị các phương tiện, vật tư phòng chống bão lũ, kiểm tra rà soát lại các đoạn đê kè xung yếu, tuyên truyền vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời 3 hộ dân ở khu vực ngoài đê ở xã Hải Đông, 93 hộ/221 người tại Thị trấn Thịnh Long vào nơi tránh trú an toàn. Đến 9 giờ sáng ngày 28-10-2012, đã gọi 136 phương tiện đánh bắt xa bờ, 240 phương tiện mủng, 92 bè mảng ở vùng nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu an toàn; 52 phương tiện vào bờ ở ngoại tỉnh. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, các phương tiện tàu thuyền không được ra khơi. Tạm ngừng những hoạt động du lịch ở khu vực bãi tắm Thịnh Long. Đồng thời huyện cũng xây dựng phương án di dời dân trong trường hợp khẩn cấp nếu cần thiết. Các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Hải Hậu đã bắn pháo hiệu báo bão, bố trí trực ban 100% quân số, thành lập đội cơ động, phân công xuống từng xã nắm bắt tình hình, liên tục kiểm tra, theo dõi các đoạn đê kè biển. Qua kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Hải Hậu phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra và chuẩn bị thật tốt công tác PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”, tránh tư tưởng chủ quan; chú ý các đoạn đang thi công; chủ động phòng chống úng ngập cho cây vụ đông đã gieo trồng và diện tích lúa đặc sản chưa thu hoạch; kiểm tra nhà ở, kho tàng, trường học… có kế hoạch chằng, chống và di dân khi cần. Ban Chỉ huy PCLB huyện tăng cường kiểm tra, duy trì trực ban PCLB; phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều để nhanh chóng xử lý; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; an toàn các tuyến đê biển; hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Cần theo dõi sát diễn biến của cơn bão để chủ động ứng phó kịp thời.
Đưa tàu cá vào bờ tại cửa cống số 8B xã Giao Long (Giao Thủy). |
Đến 10h30 sáng 28-10, Ban tác chiến, Bộ đội Biên phòng Nam Định khẳng định toàn bộ 2.080 tàu thuyền của Nam Định đã về nơi neo đậu an toàn. Trong đó 2.018 tàu với 10.450 ngư dân đang neo đậu trong tỉnh, 62 tàu với 422 ngư dân neo đậu tại các tỉnh khác. Ngoài ra, Nam Định cũng bố trí chỗ đỗ, đậu cho 5 tàu với 28 ngư dân của Thanh Hóa và Hải Phòng. Đã hoàn thành sơ tán xong 4.417 người dân, vận động được 50% các chủ ki-ốt, hộ kinh doanh ở 2 bãi biển Quất Lâm (Giao Thủy) và Thịnh Long (Hải Hậu) sơ tán. Trưa ngày 28-10, khi bão số 8 chỉ còn cách Nam Định vài giờ đồng hồ, Thành phố Nam Định đã hoàn thành di dân ở các khu chung cư cũ, các vùng trũng đến nơi an toàn, sẵn sàng các phương án chống ngập, úng./.