|
Nhiều đô thị ở Nam bộ thường xuyên bị ngập lụt do triều cường dâng cao |
Tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Băng-la-đét). BĐKH hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn.
Tại Việt Nam, theo dự báo của Ngân hàng Thế gới, nếu mực nước biển dâng thêm 1m sẽ gây ảnh hưởng tới đời sống của 10,8% dân số đang sống tập trung tại các vùng châu thổ. Nếu dâng 5m thì khoảng 16% diện tích đất ven bờ và các hệ sinh thái ở đây bị ngập lụt, khoảng 35% dân số bị đe dọa.
Báo cáo của Cơ quan quốc tế về BĐKH cũng cho thấy, những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Cùng với đó, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước, trong khi lượng bốc hơi nước của các hồ ao, sông suối tăng. Hậu quả là sự suy thoái tài nguyên nước cả về lượng và chất sẽ trầm trọng hơn.
Sự gia tăng thiên tai và các hiện tượng cực đoan của thời tiết sẽ ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới nông, lâm nghiệp, thủy hải sản. Nhiều loại bệnh sẽ gia tăng dưới tác động của sự thay đổi chế độ nhiệt độ, độ ẩm và môi trường.
Ngoài ra, BĐKH còn tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, an ninh môi trường, an ninh quốc gia, làm xuất hiện khả năng có làn sóng tị nạn môi trường, sự xâm lấn của sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gien...
Cần có giải pháp kịp thời
Theo các chuyên gia môi trường, những tác động của BĐKH đến đời sống kinh tế - xã hội là rõ rệt và ai cũng có thể nhận ra. Tuy nhiên, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân chưa nhận thức đầy đủ về BĐKH, tác động của BĐKH nên chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa có ý thức chủ động ứng phó. Đa số mọi người vẫn nghĩ BĐKH là câu chuyện ở tầm vĩ mô, là câu chuyện đường dài. Nhưng thực ra không hẳn vậy. Đây cũng là câu chuyện sống còn của từng cá nhân mà hơn ai hết những cư dân sống ven biển là đối tượng chịu tác động đầu tiên. Và BĐKH không còn là câu chuyện đường dài nữa.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phạm Hoàng Mai cho rằng: Để ứng phó với BĐKH cần xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, cần lồng ghép nội dung thích ứng với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, việc phát triển nền kinh tế phát thải cacbon thấp là một xu thế tất yếu và các doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội này để phát triển các hình thức kinh doanh với công nghệ phù hợp.
Theo phân tích của Giáo sư Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): BĐKH là vấn đề toàn cầu, thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Do đó, việc ứng phó cũng phải đặt trong mối quan hệ toàn cầu và coi ứng phó không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng chống thiên tai là trọng tâm.
Để đạt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thích ứng với BĐKH, phát thải khí nhà kính thấp, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh theo địa bàn và theo ngành, lĩnh vực.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về BĐKH, để kịp thời ứng phó với tác động của BĐKH, các Bộ, ngành đã xây dựng và triển khai tương đối đồng bộ các chính sách nhằm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH. Tổ chức bộ máy về ứng phó với BĐKH ngày càng được hoàn thiện; đồng thời triển khai một loạt chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.../.