Phát biểu tại buổi tiếp, bà Jennifer Sara cho biết, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá cao tiến độ triển khai các hành động chính sách thuộc khung Ma trận chính sách của Chương trình SP-RCC, trong đó, đặc biệt có sự chủ trì, dẫn dắt của Bộ TN&MT. Hiện nay, nhiều nhà tài trợ muốn đánh giá hiệu quả nguồn vốn tài trợ cũng như cơ chế tài chính dành cho Chương trình này.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam sẽ xem xét lại việc xây dựng Khung Ma trận Chính sách, sau đó, sẽ có chỉ số đánh giá tiến độ, kết quả các hành động một cách rõ ràng. Để ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần sự giúp đỡ rất lớn từ các tổ chức quốc tế. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần có cơ chế để huy động nguồn vốn, phân bổ và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, tập trung đầu tư vào những dự án BĐKH có hiệu quả thiết thực, bền vững. Trồng rừng ngập mặn được cho là phương án tối ưu nhất để Việt Nam thích ứng với BĐKH.
Vấn đề vướng mắc hiện nay là trong một dự án, khó phân định rõ kinh phí cho BĐKH và cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do vậy, “Bộ TN&MT đề xuất cần có nguồn ngân sách riêng cho BĐKH. Nguồn ngân sách này cần được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đem lại kết quả rõ ràng”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trao đổi về hoạt động của các nhà tài trợ SP-RCC, Thứ trưởng đề nghị, WB, JICA…và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ tư vấn cho Việt Nam lồng ghép các vấn đề về BĐKH, tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam. Đây là một văn bản mang tính tổng hợp, giải quyết được nhiều vấn đề lớn của đất nước. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ có thể xem xét đầu tư hỗ trợ kỹ thuật giúp Bộ TN&MT thực hiện các hoạt động chính sách như: Xây dựng Luật Khí tượng thủy văn, xây dựng bộ chỉ số đánh giá thực hiện chiến lược BĐKH…
| |
Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại buổi tiếp | Bà Jennifer Sara và ông Christophe Crepin tai buổi tiếp |
Trao đổi về lộ trình giảm phát thải khí các-bon, Thứ trưởng cho biết, từ năm 2020, Việt Nam phải xây dựng xong lộ trình và các Bộ, ngành phải có cam kết với Chính phủ về vấn đề này. “Trong giai đoạn này, WB cần hướng dẫn Việt Nam đánh giá được tổng lượng khí thải các-bon; phân tích bài toán kinh tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế phát thải cao sang nền kinh tế phát thải thấp”, Thứ trưởng đề nghị.
Trong cuộc họp, Thứ trưởng cũng cho biết, mới đây, Ủy ban quốc gia về BĐKH đã thống nhất đánh giá: Sự hỗ trợ của các nhà tài trợ SP-RCC trong thời gian ngắn đã giúp Việt Nam hoàn thành những văn bản chiến lược, pháp lý quan trọng. Ủy ban quốc gia đã phê duyệt những hoạt động ưu tiên trong năm 2014, trong đó, duy trì hoạt động thường niên đối thoại giữa Ủy ban với các nhà tài trợ SP-RCC.