Tại Hội thảo, các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lồng ghép các mục quản lý rủi ro do thiên tai và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và bố trí khoản ngân sách phù hợp cho quản lý rủi ro thiên tai. “Ở một số nước như Mỹ hay Philppines, khoản tiền này vào khoảng 5% ngân sách”, ông Ian Wilderspin, Cố vấn Quản lý thiên tai của UNDP cho biết. Số tiền này không chỉ dành cho việc ứng phó với thiên tai khi đã xảy ra, mà còn bao gồm cả công tác chuẩn bị phòng ngừa và khắc phục hậu quả.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cần thành lập một Ủy ban quốc gia về quản lý rủi ro thiên tai, trong đó bao gồm cả Ủy ban Phòng, chống lụt bão và cứu nạn hiện nay. Cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào công tác này, thông qua quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ và tham gia lập kế haọch ứng phó với rủi ro thiên tai.
Đáng lưu ý, ông Ian Wilderspin cho rằng, khái niệm “thiên tai” cần bao gồm thêm những hiện tượng khác như cháy rừng; sạt lở sông, biển; dịch bệnh…
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cũng cho rằng cần đưa thêm nhiều hiện tượng thiên tai như gió lốc vào danh mục cần ứng phó. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cũng đặc biệt nhấn mạnh sự phân công trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo Luật và đặt câu hỏi thẳng thắn: “Theo dự luật, trong nhiều trường hợp thì Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đến Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã cũng chỉ đạo; vậy thì ai là người chỉ huy, ai là người thực hiện? Gặp phải sự cố có cả lãnh đạo ba cấp ở đấy ai cũng chỉ đạo cả, thì ai là người làm? Phải phân vai cụ thể chứ không nên để chung chung như vậy”.
Chuyên gia phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Lễ bày tỏ sự quan tâm đến các hành vi bị cấm nêu trong dự thảo Luật. Ông phát biểu: “Ngoài 10 hành vi bị cấm đã nêu, đề nghị bổ sung các hành vi sau đây: chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; khai thác tài nguyên, khoáng sản trong các sông suối không theo quy hoạch, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, tăng nguy cơ rủi ro thiên tai”. Ông Lễ và một số đại biểu khác tham gia hội thảo cũng bày tỏ phân vân về tên gọi của luật: “Từ trước đến nay và ngay cả trong tương lai xa hơn nữa, con người chưa thể “chống” được thiên tai mà chỉ có thể phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.. Do đó lấy tên như dự thảo lần trước (Luật Phòng, tránh thiên tai) là hợp lý”.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xem xét để bảo đảm tính khả thi của quy định “cấm vận hành công trình hồ chứa, cống, trạm bơm không đúng quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Chuyên gia này giải thích: “Quy định chế tài xử lý, xử phạt vi phạm này là rất phức tạp, thậm chí có liên quan đến trách nhiệm của người phê duyệt các quy trình. Do đó, phải xem xét rõ hơn mức độ, quy mô của các công trình hồ chứa, trạm bơm… để quy trách nhiệm cho đối tượng quản lý, vận hành”.
Hội thảo sẽ còn tiếp tục cho đến hết sáng mai, 8-8.