Tỉnh tranh thủ tối đa các đợt triều cường để điều tiết lấy ngọt tại các cống đầu mối như Xuân Hòa, Vàm Giồng... nhằm nâng cao mực nước trữ trong nội đồng; khẩn trương đắp các cống đập, đảm bảo ngăn mặn triệt để khi vào cao điểm mùa khô, tránh tình trạng xâm nhập vào nội đồng. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kế hoạch lấy ngọt, trữ ngọt và chống úng cục bộ phù hợp với từng tiểu vùng trong nội đồng Dự án ngọt hóa Gò Công gắn với kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi nội đồng, đảm bảo đưa nguồn nước ngọt tới từng chân ruộng, phục vụ sản xuất.
Rút kinh nghiệm trong đối phó với hạn mặn vụ đông xuân các năm trước, vụ đông xuân 2012 – 2013, từ kế hoạch vận hành cống đập lấy nước ngọt chung, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tùy theo các giai đoạn sản xuất chính để có kế hoạch điều tiết nước phù hợp, nâng cao hiệu quả phòng chống hạn mặn cho toàn vùng dự án. Ngoài ra, Công ty thường xuyên tổ chức đo đạc, cập nhật diễn biến về mực nước và chất lượng nước trên các tuyến sông và kênh rạch nội đồng; dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn để nhân dân an tâm sản xuất; khẩn trương chống úng, chống hạn cục bộ cho nội đồng khi cần thiết bằng những giải pháp khả thi; kiểm tra và vận hành nhanh chóng các cống tiếp nước theo chế độ lấy ngọt một chiều nhằm tăng cường nguồn nước về bổ sung các khu nằm độc lập, xa nguồn.
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ chiêm xuân. Tỉnh tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để có kế hoạch điều hành cấp nước phục vụ sản xuất đạt hiệu quả. Các địa phương chủ động đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước thực tế ở các sông, hồ, ao và có biện pháp quản lý chặt chẽ, hạn chế thất thoát, lãng phí nước ở các hồ đập; chủ động phân phối, hướng dẫn sử dụng nguồn nước hợp lý, thực hiện tưới tiết kiệm, sử dụng nước theo kế hoạch dùng nước nhằm hạn chế tối đa tình trạng hạn hán có thể xảy ra, nhất là ở những vùng, khu vực thường xuyên khó khăn về nguồn nước tưới; bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, kiên quyết không cấy cưỡng ở những nơi không đủ nguồn nước cho suốt vụ.
Các địa phương trong tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi mùa khô xong trước ngày 5/1, tập trung sửa chữa máy móc thiết bị và công trình bị hư hỏng do mưa lũ gây ra đảm bảo chủ động công tác tưới và phục vụ sản xuất. Trước mắt các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đắp 2 đập tạm trên sông Mã và sông Càn để đảm bảo phục vụ công tác tưới chống hạn và ngăn mặn. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị phối hợp đóng mở các cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm soát độ mặn để lấy nước tưới đảm bảo, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời ở các vùng triều.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa từ nay đến tháng 4/2013 biến đổi chậm theo xu thế xuống thấp dần, lượng dòng chảy cơ bản giảm dần. Tình trạng rét đậm, rét hại và tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ có thể xảy ra gay gắt ngay đầu vụ chiêm xuân 2013.