Trong khuôn khổ dự án “Hợp tác nhằm Tăng cường Khả năng Thích ứng với Biến đổi khí hậu của các Cộng đồng ven biển Việt Nam (Dự án PRC)” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tổn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Oxfam phối hợp thực hiện và Cơ quan hỗ trợ phát triển Úc (AusAID) tài trợ, MCD phối hợp cùng UBND huyện Cát Hải tổ chức tập huấn “Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực có sự tham gia (PVCA)” và đi đánh giá thực địa ở 3 xã Phù Long, Hiền Hào và Xuân Đám nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về năng lực ứng phó trước rủi ro thiên tai và Biến đổi khí hậu.
Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm thông qua việc phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo quyết định 1002/QĐ-TTg. Tham gia tập huấn có đại diện của 3 xã đi đánh giá và các đối tác liên quan như Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, cán bộ Vườn Quốc gia Cát Bà… Chương trình tập huấn bao gồm các nội dung: tập huấn tại Thành phố Hải Phòng (từ 27-31/10/2012), đi đánh giá thực địa tại 3 xã (từ 01-05/11/2012).
Sau 4 ngày tập huấn, các học viên được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về quản lý rủi ro thiên tai, vị trí của PVCA trong Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với Biến đổi khí hậu. Biết được quy trình, ý nghĩa, mục đích, cách tiến hành triển khai các công cụ và kết quả trong đánh giá rủi ro để lập kế hoạch giảm thiểu rủi ro có sự tham gia của người dân.
Kết thúc đợt tập huấn, lớp học được chia làm 3 nhóm đánh giá để đi đánh giá thực địa tại 3 xã Phù Long, Hiền Hào và Xuân Đám. Nhóm đánh giá đã có những buổi họp với chính quyền xã, họp với người dân, với các nhóm đặc thù (hộ sản xuất nông nghiệp, hộ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phụ nữ nghèo và các học sinh) và đi phỏng vấn các hộ gia đình kết hợp với việc sử dụng các công cụ, bộ câu hỏi để thu thập thông tin, phân tích các rủi ro, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng. Trong buổi họp với người dân để kiểm chứng thông tin, các rủi ro được đưa ra, xếp hạng và phân tích, tìm các giải pháp và các hoạt động cụ thể để giải quyết các vấn đề.
Kết thúc đợt thực địa, nhóm đánh giá đã có buổi họp với chính quyền xã để báo cáo các kết quả đã đạt được, nhất trí thông qua bảng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro và chuyển đổi vấn đề, những công việc phải làm, ai sẽ làm, thời gian làm, mức độ ưu tiên của từng hoạt động. Báo cáo kết quả đánh giá và kế hoạch giảm thiểu rủi ro sẽ được lồng ghép với kế hoạch phát triển của địa phương.