Tham dự hội thảo có các đại diện của các tổ chức phi Chính phủ, đây là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm triển khai công cụ VCA đến cộng đồng. Hội thảo cũng có sự tham gia của các cán bộ của Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai.
Khai mạc Hội thảo, lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Hà Lan đã nêu bật ý nghĩa công cụ VCA, những kết quả đã đạt được trong việc ứng dụng công cụ trong đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng, thách thức và khó khăn khi các tổ chức ứng dụng công cụ VCA đến cộng đồng theo các yêu cầu, mục tiêu và đối tượng khác nhau, định hướng thảo luận và mong muốn nhận được ý kiến thẳng thắn từ chuyên gia để từng bước vận động đưa công cụ VCA vào thực hiện Đề án CBDRM của Chính phủ
Sau các bài trình bày về các nội dung liên quan đến VCA, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhóm về khả năng áp dụng VCA trong chương trình CBDRM của Chính phủ với 03 câu hỏi chính sau: khả năng ứng dụng VCA đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, khả năng ứng dụng VCA trong Đề án Chính phủ và ứng dụng vào những nội dung, hoạt động nào và thực hiện như thế nào.
Tại buổi thảo luận, các ý kiến đóng góp tập trung vào những nội dung chính sau:
1. Công cụ VCA đã được Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Hà Lan xây dựng và ứng dụng nhiều năm qua trong công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Công cụ cũng đã được các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam ứng dụng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và đối tượng của từng dự án cụ thể. Song song với công cụ là đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên về VCA đã thành lập và nhiều kinh nghiệm. Đây là những điều kiện thuận lợi để có thể ứng dụng công cụ VCA vào thực hiện một số hoạt động của Đề án CBDRM.
2. Một số các hoạt động quan trọng do người dân thực hiện trong Đề án có thể ứng dụng công cụ VCA là bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tồn thương, lập kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, lập kế hoạch phát triển kinh tế; đào tạo đội ngũ đánh giá VCA của địa phương; lồng ghép trong các hoạt động đào tạo, truyền thông.
3. Để đưa đưa công cụ VCA chính thức thực hiện Đề án, cũng cần nhìn nhận một số khó khăn và thách thức như sau:
- Bộ công cụ cần thống nhất về quan điểm phát triển và ứng dụng với từng đối tượng cụ thể (tương tự như phát triển bộ tài liệu đào tạo tập huấn); tập trung với đối tượng tại địa phương. Bộ công cụ phải đơn giản, dễ sử dụng là những yếu tố quan trọng hỗ trợ địa phương ứng dụng trong việc thực hiện Đề án, xa hơn nữa là ứng dụng trong xây dựng kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ thiên tai hàng năm, nhiều năm.
- Để các địa phương dần từng bước ứng dụng công cụ VCA, thì vai trò hỗ trợ của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam và các tổ chức là rất quan trọng. Tuy nhiên đội ngũ các tập huấn viên, hướng dẫn viên VCA vẫn mỏng và trình độ rất khác nhau. Đồng thời quan điểm về việc ứng dụng VCA như thế nào theo các yêu cầu, nội dung và đối tượng cụ thể vẫn còn khác nhau giữa các tổ chức.
- Khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của các đối tượng, đặc biệt các đối tượng dễ bị tổn thương trong việc thực hiện Đề án là nội dung quan trọng, trong đó có các hoạt động đánh giá tình trạng dễ bị tổ thương và khả năng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có thể chủ động tham gia. Trong hội thảo cũng nhận được ý kiến chia sẻ và những đánh giá của người khuyết tật khi tham gia đánh giá VCA.
Hội thảo thật sự là hoạt động quan trọng, bước đầu để các tổ chức, các cán bộ kỹ thuật cùng ngồi với nhau, chia sẻ, đánh giá để cùng thống nhất lộ trình từng bước đưa công cụ VCA thành công cụ thực hiện một số nội dung, hoạt động của Đề án CBDRM. Kết thúc Hội thảo, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Hà Lan cảm ơn những ý kiến chia sẻ và đánh giá thẳng thắn của các đại biểu. Từ những ý kiến này các cơ quan liên quan ngồi và bàn bạc với nhau, thống nhất nội dung để nhanh chóng đưa công cụ VCA trở thành công cụ quan trọng trong việc thực hiện Đề án CBDRM của Chính phủ.