Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh: Thành phố có mạng lưới sông ngòi và kênh rạch dày đặc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn thành phố như thoát nước mưa lũ, cấp nước ngọt sinh hoạt và công nghiệp, giao thông thủy… Nhưng hiện nay, tình trạng lấn chiếm, ô nhiễm nguồn nước mặt trên các tuyến sông, kênh rạch tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải trực tiếp xuống lòng kênh rạch còn khá phổ biến gây ảnh hưởng đến mỹ quan, cuộc sống của cộng đồng rất lớn. Để giải quyết tình trạng này, cần sự hợp tác, trung tay góp sức của các Sở ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, chính quyền địa phương và đặc biệt là của cộng đồng dân cư.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch như thể chế, chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội; cách quản lý còn nhiều bất cập, địa phương thiếu nhân lực có chuyên môn, tuy nhiên nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là thiếu sự tham gia của cộng đồng. Chính vì vậy, để có thể hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông, kênh rạch hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, việc huy động sự tham gia của cộng đồng mang yếu tố quyết định. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa vấn đề bảo vệ nguồn nước; xây dựng kế hoạch chương trình tham gia của cộng đồng trong các kế hoạch quản lý lâu dài đối với lĩnh vực tài nguyên nước; tham vấn các mô hình kinh nghiệm trong bào vệ môi trường từ cơ sở.
Các đại biểu cũng đã trao đổi thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường nước sông, kênh rạch. Các đại biểu nhấn mạnh cần phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật như bố trí thùng rách dọc các tuyến kênh, có quy định về thu gom rác có kích thước lớn theo thời gian, đặt bảng cấm, lắp camera; lập tổ giám sát và xử phạt; xây dựng lực lượng tuyên truyền nòng cốt, thường xuyên… Bên cạnh đó, các địa phương có sông, kênh rạch đi qua cũng cần xây dựng, vận động nhân dân thành lập các mô hình tự quản trong bảo vệ môi trường; thực hiện lồng ghép bảo vệ môi trường vào trong nhà trường, hoạt động cộng đồng…
Theo báo cáo của Trung tâm Chất lượng nước và Môi trường – Phân viện Quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam Bộ: Nước tại hệ thống kênh rạch tại TP. Hồ Chí Minh đều bị ô nhiễm nặng. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh, hàm lựợng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng…đều vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Điển hình như các kênh Thầy Cai, An Hạ (Củ Chi), kênh Bà Búp, Trần Quang Cơ (Hóc Môn), Tân Trụ, Hy Vọng (Tân Bình)… nước có màu đen, mùi hôi rất nặng, nhiều chỉ tiêu đều vượt tiểu chuẩn cho phép. Các kênh, rạch bị xả rác nhiều, ô nhiễm nặng như rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, Liên Xã (Bình Tân), rạch Bình Thái, Cầu Miếu (Thủ Đức), rạch Ông Đội, Bến Ngựa (Quận 7)…