Đoàn viên thanh niên tham gia làm kè rọ đá chống xói lở tại xã Rã Bản, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn)
Sau 5 năm (2008 - 2012) triển khai thực hiện Chiến lược, nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Thiệt hại về người do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể so với 5 năm trước (số người chết và mất tích giảm 7,9%, số người bị thương giảm 16,9%). Việc lồng ghép công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai với nhiệm vụ quân sự theo sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của Bộ Quốc phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực nhằm giảm nhẹ thiệt hại đối với cơ sở vật chất quốc phòng, đảm bảo cho quân đội luôn đủ sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chương trình kiên cố hóa hệ thống đê biển đã và đang được triển khai được xem là bước đột phá quan trọng về nâng mức đảm bảo an toàn đối phó với bão và nước biển dâng trước nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng hiện hữu; đồng thời, các tuyến đê biển đã được nâng cấp, kiên cố hóa còn được kết hợp sử dụng làm nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ bờ biển, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang diễn biễn phức tạp. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu phòng chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư, khối lượng thực hiện tăng hơn nhiều so với 5 năm trước và sớm phát huy hiệu quả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai đang dần được hoàn thiện. Chất lượng dự báo khí tượng - thủy văn và báo tin động đất, cảnh báo sóng thần đang dần được nâng lên. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai ngày càng được coi trọng đúng mức. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đã thu được kết quả đáng khích lệ cả về chất và lượng.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai được các cấp, các ngành quan tâm. Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 1737/QĐ-UBND ngày 15/9/2008; năm 2010, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 tại Văn bản số 107/KH-UBND ngày 03/6/2010.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn để đánh giá những kết quả đạt được trong công tác năm vừa qua và rút ra bài học kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của các ngành, địa phương; ban hành Quy chế làm việc và kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh; Ban hành các công điện, các văn bản chỉ đạo các địa phương phòng tránh, ứng phó khi thiên tai xảy ra, phục hồi sau thiên tai. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng phương án chi tiết tổ chức phòng, tránh, ứng phó tại từng đơn vị, địa phương; ban hành Quy định về công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và thực hiện trực ban nghiêm túc, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định. Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên cảnh báo, hướng dẫn xử lý sự cố thiên tai (sạt lở, mưa lũ, …) đến các đơn vị, địa phương.
Công tác nâng cao năng lực dự báo cảnh báo thiên tai được tỉnh quan tâm. 05 trạm đo mưa trên địa bàn tỉnh đều được bố trí kinh phí tu sửa, sửa chữa những hư hỏng nhằm đảm bảo quan trắc. Riêng năm 2010, tỉnh đã lắp đặt thêm 4 trạm đo mưa nhân dân tại các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm. Công tác trồng rừng phòng hộ được thực hiện hàng năm; riêng năm 2013, tỉnh có kế hoạch trồng mới 720ha.
Các công trình xây dựng đa mục tiêu trong đó có gắn với nhiệm vụ phòng tránh thiên tai được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã xây dựng, sửa chữa hoàn thiện và đưa vào sử dụng 19 hồ chứa thuộc các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn; xây dựng và đưa vào sử dụng 25 công trình kè sông suối chống sạt lở; thực hiện dự án hồ Nặm Cắt nhằm cắt lũ cho thị xã Bắc Kạn; xây dựng 15 khu tái định cư cho nhân dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai tại các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng có nguy cơ cao về thiên tai như: Sạt lở bờ sông, lở núi, lũ quét, lũ ống, gây thiệt hại lớn về tài sản, ruộng đất, rau và hoa màu của nhân dân. Theo thống kê, riêng lũ quét trên địa bàn tỉnh từ năm 1990 đến nay đã làm hơn 20 người chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Để ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định 449/QĐ-UBND ngày 4/4/2012. Quy hoạch gồm các mục tiêu cụ thể: Đảm bảo bố trí, sắp xếp ổn định cho 2.926 hộ dân trên địa bàn tỉnh (gồm: 828 hộ nằm trong vùng thiên tai, 1.608 hộ vùng đặc biệt khó khăn, 142 hộ di cư tự do, 348 hộ thuộc khu rừng đặc dụng) theo các hình thức bố trí: Tập trung (1.098 hộ), xen ghép (257 hộ) và ổn định tại chỗ (1.571 hộ); tăng cường cải tạo đất bằng cách kết hợp các biện pháp kỹ thuật, thâm canh tăng vụ nhằm nâng cao giá trị, sản lượng cây trồng khu tái định cư; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trong khu dân cư đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và đời sống các hộ được bố trí, ổn định dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất tiến tới ổn định đời sống dân cư khu tái định cư.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn năm 2013; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Phương án phòng chống lũ quét trên địa bàn tỉnh năm 2013. Tại Phương án phòng chống lũ quét, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống kê các điểm có nguy cơ cao về lũ quét gồm 71 điểm thuộc 35 xã, phường của 7 huyện, thị xã. Đây chính là cơ sở để các địa phương chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh Bắc Kạn luôn chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai; phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần ổn định xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.