Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, chưa tính các huyện đảo và xã đảo, tỉnh Kiên Giang có diện tích hơn 570.373 ha, nếu xác định vùng có độ cao hơn 1 m thì toàn tỉnh chỉ có 32.699 ha và cao hơn 1,5 m chỉ có 4.462 ha. Nếu theo kịch bản BÐKH, nước biển dâng cao hơn mặt nước chuẩn 0,5 m thì tỉnh Kiên Giang có hơn 50% diện tích đồng bằng bị chìm trong nước; nếu nước biển dâng cao hơn 1 m, thì phần đất liền còn lại là 37.161 ha chiếm 6,5% diện tích đất liền nhô khỏi mặt nước. Ðể chủ động đối phó BÐKH, năm 2010, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động ứng phó BÐKH và nước biển dâng với nhiều chương trình, dự án đã và đang thực hiện, trong đó bảo vệ và khôi phục hệ thống rừng phòng hộ ven biển, cùng với việc củng cố, nâng cấp đê biển là việc làm cấp bách và cần thiết. Thực tế cho thấy, hệ thống rừng phòng hộ ở Kiên Giang gắn liền với tuyến đê biển có chiều dài hơn 200 km từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) được xem là tấm lá chắn bảo vệ cư dân. Tuy nhiên, những năm qua nhiều đoạn rừng phòng hộ bị thưa dần hoặc mất trắng, tổng chiều dài tấm lá chắn bị hở lên đến 79 km. Từ năm 2005 đến nay bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh Kiên Giang đã vận động nhân dân trồng mới được 430 ha rừng; giao khoán rừng cho hộ dân triển khai mô hình 7/3 (7 rừng, 3 nuôi trồng thủy sản), để các hộ tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Và nhằm từng bước xây dựng mô hình trồng rừng ven biển đạt hiệu quả, năm 2011, dự án GIZ Kiên Giang đã thiết kế ba kiểu hàng rào ngăn sóng xây dựng tại huyện Hòn Ðất và đang tiếp tục triển khai tại các huyện An Biên, An Minh. Mô hình này được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ bảo vệ được tuyến đê biển, mà còn từng bước ổn định được bãi bồi, giúp cây trồng bám rễ sâu chắc vào đất.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tuyến đê biển được đầu tư từ giai đoạn 2000 - 2005. Hiện trạng cao trình đê từ +2 m đến +2,5 m, chiều rộng mặt đê từ 4 đến 6 m, địa hình chủ yếu là bãi bồi ven biển nên nền đê yếu và bị chia cắt bởi 60 cửa sông, kênh thông ra Biển Tây. Tất cả những cửa sông, kênh này đều phải đầu tư xây dựng cống nhằm thoát lũ, úng, kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, mới có 27 cống được đầu tư xây dựng. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành quy hoạch tuyến đê với tổng mức đầu tư 8.406 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn trong nước gặp khó khăn, nên sáu công trình cống đang xây dựng dở dang, những công trình cống còn lại chưa được thông báo vốn đầu tư. Hiện Kiên Giang đang tích cực vận động tìm nguồn tài trợ ODA, trong đó chuẩn bị tiếp nhận vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW) 9 triệu Euro, cộng với nguồn vốn đối ứng 2,7 triệu Euro để nâng cấp tuyến đê biển thuộc địa bàn huyện Hòn Ðất và trồng lại rừng ở những nơi xung yếu.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang đã huy động được gần 207 tỷ đồng xây dựng được 73 cụm dân cư và bốn tuyến đê bao, xây dựng gần 8.000 căn nhà để bố trí những hộ dân đang sinh sống tại những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, hộ nghèo... vào ở. Kiên Giang đang tiếp tục đầu tư thêm năm cụm tuyến dân cư, với tổng vốn hơn 190 tỷ đồng. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang triển khai đề án quy hoạch, bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện từng vùng có tính đến yếu tố ảnh hưởng của BÐKH và nước biển dâng; bố trí cơ cấu sản xuất thích hợp từng loại cây, con, mùa vụ, thời vụ gieo sạ, cơ cấu thích hợp để tránh các ảnh hưởng của lũ, hạn, xâm nhập mặn. Từng bước triển khai dự án nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê bao, bờ bao bảo vệ lúa hai vụ/năm vùng tứ giác Long Xuyên, ba vụ/năm và diện tích cây ăn trái ở vùng Tây sông Hậu và triển khai quy hoạch bố trí lại dân cư vùng ven biển, ven hải đảo...