Ngày 14/8/2012, tại Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM) - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai cùng với Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia (CPIM) tổ chức cuộc họp đóng góp ý kiến nội dung nghiên cứu về xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Mã số: 0351) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Tham gia cuộc họp có đại diện Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM), đại diện Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai (DMC) và các tổ chức phi chính phủ gồm: Oxfam, UNDP, Care, AMDI, PeaPRDS (đơn vị tư vấn xây dựng chương trình Quốc gia Nâng cao nhận thức công chúng về Quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam) và Ban Quản lý thảm họa - Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
Tại cuộc họp, CPIM trình bày tóm tắt mục tiêu, phương pháp tiếp cận và nội dung thực hiện trong Nhiệm vụ nghiên cứu, cụ thể gồm năm nội dung chính:
1. Đánh giá tổng quan trong ngoài nước về mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
2. Khảo sát thực địa, đánh giá, phân tích lựa chọn mô hình và lựa chọn điểm để triển khai xây dựng mô hình.
3. Xây dựng các giải pháp, bộ công cụ hỗ trợ và trang thiết bị để xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo an toàn và vận hành hiệu quả công trình.
4. Xây dựng chương trình, lập kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng trong việc phòng tránh và giảm nhẹ hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu.
5. Tổ chức xây dựng mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiên tai hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ các nội dung liên quan đến các hoạt động, mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; trao đổi kinh nghiệm khi triển khai và các kết quả cần đạt được nhằm đảm bảo các kết quả và mô hình xây dựng có tính bền vững.
Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đã giới thiệu và thông báo qua các kết quả và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” trong những năm tới.
Đối với các nội dung liên quan đến Nhiệm vụ nghiên cứu, các đại biểu đã thảo luận với CPIM các nội dung nghiên cứu như:
1. Phạm vi mô hình do CPIM đề xuất nghiên cứu: CPIM đề xuất sẽ đưa ra mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan đến quản lý hồ chứa nhỏ do cấp xã quản lý.
2. Nội dung tập huấn, cấp được tập huấn, xây dựng tài liệu tập huấn cho cấp nào của địa phương
3. Mối liên quan giữa Nhiệm vụ nghiên cứu này và Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
4. Tính pháp lý sản phẩm nghiên cứu và nhân rộng của Nhiệm vụ nghiên cứu.
5. Vấn đề Giới trong nghiên cứu.
6. Việc tham gia và hỗ trợ của địa phương tại các cấp trong phối hợp thực hiện Nhiệm vụ nhằm đảm bảo duy trì hiệu quả của Nhiệm vụ khi kết thúc.
Kết thúc cuộc họp, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai có ý kiến làm rõ một số nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
1. Trung tâm với nhiệm vụ được giao giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy lợi) triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đã tổ chức cuộc họp với các thành viên của Nhóm công tác Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM-TWG) nhằm hỗ trợ cho CPIM thực hiện Nhiệm vụ nghiên cứu.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu cần bám sát những nội dung, định hướng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có kế thừa kết quả triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” và các Chương trình liên quan do Bộ quản lý, đặc biệt về công tác tổ chức tập huấn, tài liệu đào tạo và tài liệu truyền thông.
3. CPIM xem xét làm rõ phạm vi mô hình nghiên cứu phù hợp.
4. CPIM cần trao đổi với các tổ chức trong quá trình triển khai để tránh trùng lặp và tận dụng tối đa các dữ liệu, kết quả của các dự án đã triển khai.
Cuối cùng các đại biểu mong muốn trong quá trình nghiên cứu, CPIM cần thường xuyên thảo luận với các đơn vị liên quan để đảm bảo tính hiệu quả và thực tiễn của kết quả nghiên cứu.