Theo Kế hoạch, cuộc Tổng diễn tập ứng phó động đất, sóng thần sẽ diễn ra vào ngày 7/10/2011 tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng dưới sự chủ trì của UBND TP Đà Nẵng và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Tham gia phối hợp diễn tập là hàng nghìn người thuộc các lực lượng vũ trang như Công an TP Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, dân phòng, Y tế, các cơ quan thông tấn báo chí cùng những ngư dân, cư dân đang sinh sống tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Kế hoạch trên cũng cho biết, cuộc diễn tập sẽ diễn ra trong vòng 50 phút (từ 9h00 -9h 50 ngày 7/10), với tình huống giả định lúc 8h45’ ngày 7/10/2011, Chính quyền Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu: Lúc 08h35 phút ngày 7/10/2011 tại khu vực 17,5 dộ Vĩ Bắc; 11,9 độ Kinh Đông (phía Tây đảo Lu Zông – Pilippin xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ rít te, gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của đảo Lu Zông – Pilippin. Do ảnh hưởng của động đất đã gây ra sóng thần trên biển Đông, nguy cơ ảnh hưởng đến ven biển miền Trung rất lớn. Dự kiến sau 2,5 đến 3h, sóng thần sẽ ảnh hưởng đến bờ biển Đà Nẵng, với độ cao sóng khoảng 6m…
Trên cơ sở thông tin báo động của Viện Vật lý Địa cầu, các lực lượng tiến hành sơ tán khẩn cấp 27.230 hộ dân với 133.529 nhân khẩu ở 20 phường của 5 quận ven biển (trong đó có 26.346 trẻ em và 11.190 người già) và trên 6.500 khách du lịch; 75 tàu thuyền với hơn 900 lao động hoạt động trên biển; 450 tàu thuyền neo đậu ven bờ, trên sông. Thành phố sẽ huy động toàn lực lượng để sơ tán dân cư đến bán đảo Sơn Trà và các khu nhà cao tầng sâu trong đất liền.
Kết thúc cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Giang- Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: Mục đích của cuộc diễn tập là kiểm tra hệ thống cảnh báo, thông tin về sóng thần, nhất là hoạt động của 10 trạm trực canh, cảnh báo sóng thần vừa được lắp đặt thí điểm ở Đà Nẵng để chuẩn bị triển khai ở các địa phương ven biển. Cuộc diễn tập cũng là một bước nhằm kiện toàn công tác điều hành, chỉ đạo của các cấp ngành và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ứng phó với thảm họa thiên tai; nghiên cứu rút ra những chỉ số về thời gian huy động lực lượng, sơ tán dân, trang thiết bị có phù hợp, hệ thống thông tin cảnh báo có bảo đảm… để tiếp tục đầu tư, trang bị.