Theo báo cáo lần thứ 4 về BĐKH của Ủy ban liên Chính phủ (IPCC): Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, và Đắk Lắk lại là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo số liệu của Sở NN&PTNT: Từ năm 1996 – 2011 trung bình mỗi năm thiệt hại do thiên tai gây ra tại Đắk Lắk là hơn 681 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do hạn hán chiếm 80%. Đồng thời, những biến động của yếu tố nhiệt ẩm và khí hậu thời tiết khác cũng khiến năng suất, sản lượng của cây trồng và vật nuôi bị giảm, sức đề kháng của vật nuôi kém, tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, gây ra nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm như: Cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng trên đàn gia súc.... Theo TS. Trương Hồng (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên), sự thay đổi về phân bố mưa, lượng mưa ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ, tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, tháng 1 khá phổ biến. Điều này đã làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Ngoài ra, mưa giai đoạn này đã ảnh hưởng đến việc sơ chế cà phê, thời gian phơi kéo dài, nhân bị đen, giá bán sẽ thấp. Lượng mưa bình quân có xu hướng thay đổi, đặc biệt là từ tháng 4 đến tháng 7, lượng mưa có xu hướng thấp, tần suất mưa ít gây thiếu nước làm quả cà phê bị khô và rụng, nhân nhỏ, gây thiệt hại về sản lượng và chất lượng. Sự thay đổi về thời tiết có xu hướng nóng lên cũng làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo. Cụ thể: Rệp sáp hại cà phê đã thành dịch vào những năm 2000 - 2003, bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm đối với cà phê (2000 - 2004), ve sầu hại rễ cà phê (2007 - 2009), bệnh chết nhanh, chết chậm cây tiêu (2005 đến nay), rầy nâu hại lúa, bọ xít, muỗi hại điều, ca cao... đã làm thiệt hại đến năng suất và chất lượng sản phẩm đáng kể. Sự nóng lên do bức xạ nhiệt tăng thì nhu cầu nước của cây cũng tăng lên, vì vậy yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt sẽ là thách thức cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Do sự thay đổi bất thường của thời tiết đã khiến nhiều công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng cạn nước trong mùa khô.
Cần có giải pháp phù hợp
Thực tế cho thấy BĐKH đã gây ra nhiều tác động có hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp. Để giảm thiểu tác hại cần phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện ở tất cả các ngành, lĩnh vực để đối phó và thích ứng với BĐKH. Theo Sở NN&PTNT, ngành đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để hạn chế những tác động xấu của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp. Đó là, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng và đẩy mạnh công tác trồng rừng để tăng độ che phủ; chú trọng đến việc đầu tư xây dựng, nâng cấp và quản lý hệ thống thủy lợi, thoát lũ; xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp trong từng mùa vụ như: Sử dụng các giống cây trồng kháng, chịu hạn tốt, giống ra hoa nhiều lần (đối với cây điều), bộ giống cây lương thực ngắn ngày; bố trí lịch thời vụ thích hợp với từng vùng để tránh hạn, né lũ; thực hiện tốt các biện pháp canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng ít nước hơn, chịu hạn tốt hơn; xen canh, luân canh với cây trồng có khả năng che phủ đất và cải tạo đất. Khuyến khích nông dân trồng cây che bóng, cây ăn quả, cây đai rừng trong vườn cà phê để hạn chế thoát hơi nước, xói mòn và rửa trôi đất giúp sản xuất cà phê bền vững hơn … Hiện tại, Sở cũng đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả… phù hợp với các vùng theo các tiêu chí về bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên đất, nước. Đặc biệt chú trọng hơn vào công tác nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng mới có năng suất cao, thích nghi với điều kiện canh tác mới. Ngoài những giải pháp trên thì việc tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về BĐKH và tác hại của nó đối với đời sống kinh tế xã hội cũng là điều mà ngành nông nghiệp đang hướng tới, để từ đó thay đổi thái độ, hành vi ứng xử trong hoạt động lao động sản xuất, sử dụng tài nguyên... theo hướng thích ứng. Đó cũng chính là hành động thiết thực góp phần vào việc phòng ngừa và ứng phó với BĐKH toàn cầu.