Ðây là chương trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện thành hai giai đoạn và dự kiến kết thúc vào năm 2013. Sau hơn 10 năm triển khai chương trình, các tỉnh ÐBSCL đã quy hoạch và xây dựng được 1.043 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đã bố trí hơn 165.000 hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở nguy hiểm vào sống an toàn, ổn định trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ.
Các địa phương này gồm An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Trong đó, Đồng Tháp đưa 44.000 hộ, Tiền Giang đưa hơn 42.000 hộ, An Giang đưa 33.200 hộ… vào các cụm tuyến dân cư.
Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL đã phát huy hiệu quả rất cao. Các hộ dân không bị thiệt hại về người và tài sản khi nước lũ dâng cao; chính quyền các địa phương không phải tốn thời gian và kinh phí để hỗ trợ cho người dân như trước đây khi chưa có cụm tuyến dân cư vượt lũ. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương vùng đầu nguồn lũ nhận định: Trong cơn lũ lịch sử năm 2011, các cụm tuyến dân cư vượt lũ thật sự là điểm đến an toàn.
Hiện tỉnh An Giang đang gấp rút hoàn thiện 42 cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 để bố trí hơn 12.000 hộ dân vào sinh sống. Ngoài ra, An Giang đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung cho địa phương 19 cụm tuyến dân cư vượt lũ để bố trí cho hơn 5.500 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nặng nề phát sinh từ mùa lũ 2011.
Tại Đồng Tháp, ngoài 46 cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 đang được xây dựng để ổn định chỗ ở an toàn cho 14.000 hộ dân có nhu cầu, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 330 tỷ đồng xây dựng 5 cụm tuyến dân cư vượt lũ bố trí hàng ngàn hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm ở các huyện Châu Thành, Thanh Bình, Hồng Ngự… vào nơi ở an toàn.
Hiện các địa phương trong khu vực đang khẩn trương hoàn thành giai đoạn hai của chương trình, phấn đấu bố trí hơn 7.600 hộ dân, trong tổng số 52.300 hộ trong vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao vào sinh sống.