“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung và phát triển năm 2011) ở mục IV-“Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng”, có ghi: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI, mục X - “Phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” cũng nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân”. Đấy là những ý tưởng rất đúng đắn, sáng tỏ của Đảng, tiếp nối tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (“Hồ Chí Minh-Toàn tập”, Nxb CTQG, Hà Nội-2000, tập 10, tr.599). Mục đích cao cả của Đảng, thể hiện trong Cương lĩnh ngay từ ngày thành lập cho đến nay được bổ sung, hoàn thiện-là phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nói cách khác, với một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì phục vụ nhân dân, hết lòng vì nhân dân- vừa là điểm khởi phát, vừa là mục đích tối thượng, bất biến! Nhà nước của dân, do dân và vì dân cũng xuất phát từ nguyên lý này. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tất cả các vấn đề quốc kế dân sinh phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch các công việc, các kế hoạch, các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, cũng như các cơ quan, đơn vị. Dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Dân có quyền đòi hỏi được cung cấp thông tin về mọi mặt (cố nhiên là trừ các vấn đề bí mật quốc gia). Sự thông tin có định hướng-nhìn trên đại thể vì quyền lợi quốc gia-là cần thiết; nhưng nó hoàn toàn trái ngược với sự bưng bít thông tin, từ chối cung cấp thông tin, thông tin một chiều, cắt xén thông tin và thông tin không khách quan, không trung thực.
Để cho “dân bàn” thì các cơ quan, tổ chức và những người lãnh đạo phải gần dân, “mở lòng” với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân, thể hiện tinh thần ham học hỏi cầu tiến bộ. Đấy cũng là tinh thần “thường xuyên và thật thà tự phê bình và phê bình” (lời Hồ Chủ tịch) của những cán bộ, đảng viên chân chính. Từ đấy, nhân dân mới được hỏi, được nói, được bàn bạc mọi việc cho đến thấu lý, vẹn tình. Các nhà lãnh đạo tài giỏi và theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh bao giờ cũng biết tiếp thu mọi ý kiến của nhân dân, kể cả những lời nói thẳng, không coi đó là những phát ngôn “nghịch nhĩ”, rồi gạn lọc đưa vào các chủ trương, chính sách, biện pháp, nhằm cải tạo đất nước, thúc đẩy xã hội phát triển.
Để cho “dân làm”, dân hăng hái tham gia các công việc của đất nước, của địa phương, tham gia quản lý xã hội, thì phải trên cơ sở “dân biết” và “dân bàn” thấu đáo. Hồ Chủ tịch thường dẫn ra câu nói nổi tiếng của nhân dân vùng Vĩnh Linh những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Thực tế lịch sử đất nước mấy nghìn năm qua, nhất là từ ngày Đảng ta ra đời cho đến nay, trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt và đầy gian khổ, hy sinh, cũng như trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đã chứng minh hùng hồn chân lý giản dị mà cao sâu này.
Dân không chỉ được “biết”, được “bàn”, được “làm” mà dân còn phải được “kiểm tra”. Được kiểm tra mọi vấn đề, mọi công việc của đất nước-là biểu hiện cao nhất của tinh thần “Dân chủ” thực sự! Từ chủ trương, định hướng của một đường lối, một kế hoạch, một công việc, một biện pháp tiến hành, một dự án; hoặc như việc cấp đất, cấp vốn cho một đơn vị kinh tế, cho đến hiệu quả đích thực của các vấn đề ấy, các cơ quan chức năng phải tạo mọi điều kiện để dân được kiểm tra, chất vấn, theo dõi, giám sát đến nơi đến chốn, trên tinh thần “Dĩ công vi thượng”!
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là bốn yếu tố cơ bản, quan hệ thống nhất hữu cơ, biện chứng với nhau trong hệ thống tư tưởng “Dân chủ” của Đảng. Khái niệm “Dân” là các tầng lớp nhân dân, nhưng người đại diện là HĐND các cấp và cao nhất - là Quốc hội. Vì vậy, đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội tất yếu phải là những đại diện ưu tú của nhân dân, phải thể hiện rõ nhất các yếu tố “Dân chủ” trong hoạt động của mình! Đây là vấn đề lớn, “rất thời sự” và là điều rất thiết thực và cần kíp. Tuy nhiên, pháp luật là nhân tố quan trọng để nhân dân thể hiện được quyền làm chủ.
Thực trạng của đất nước hiện nay, tuy đã thu được nhiều thành quả trong công cuộc đổi mới, nhưng đời sống của đa số nhân dân còn nhiều khó khăn; nạn tham nhũng còn trầm trọng; trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, rất đáng lo ngại; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn bị lạm dụng, bị “biến tướng”; cải cách hành chính còn ở mức thấp về tinh thần làm việc và trình độ nghiệp vụ của cán bộ-công chức, lại kém hiệu quả; công cuộc hội nhập quốc tế và bảo vệ biên cương còn nhiều thách thức. Do đó, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải thực sự trở thành một chủ trương to lớn, một vấn đề to lớn, có tính chất nền tảng từ trong Cương lĩnh và từ đó phải được thể hiện cụ thể trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời được thực thi rộng khắp, có thực chất, để đạt những hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức chủ nghĩa.