Ngư dân thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) phấn khởi sau chuyến đi biển thành công. Ảnh: LÊ NGỌC PHƯỚC (TTXVN)
* Theo Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, từ nay đến cuối tháng 4 là thời kỳ cao điểm của xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp diễn biến nguồn nước và có biện pháp chủ động phòng, chống hạn, mặn, vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước, hạn chế tiêu thoát nước, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể trong thời kỳ xâm nhập mặn giảm.
* Tổng công ty Điện lực miền nam (EVNSPC) vừa có văn bản chỉ đạo các công ty điện lực thành viên tại các tỉnh phía nam phối hợp với địa phương lập phương án bảo đảm cung cấp điện tưới tiêu, chống hạn, nhiễm mặn. Với các vùng bị hạn mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang và Bến Tre, EVNSPC đã kịp thời đầu tư lắp mới, tăng công suất hàng chục trạm biến áp bảo đảm cấp điện phục vụ các trạm bơm nước nông nghiệp tại các khu vực trọng điểm.
* Những ngày đầu xuân, người dân ven biển Quảng Ngãi, Quảng Nam lại tập trung khai thác ốc gạo. Trung bình mỗi ngày, mỗi ngư dân có thể cào được sáu thùng ốc gạo (20 đến 30 kg/thùng), bán cho thương lái với giá 240 nghìn đồng/thùng, đem lại thu nhập hơn một triệu đồng/ngày.
* Nhiều ngư dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang phấn khởi khi những chuyến biển đầu năm mới trúng đậm những mẻ cá cờ lớn. Thông thường mỗi tàu đánh bắt được từ 300 đến 400 kg cá/ngày. Với giá cá cờ tại cảng hiện nay dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg, mỗi tàu thu về khoảng vài chục triệu đồng/ngày.
* Tỉnh Bình Thuận hiện có 49 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng với tổng dung tích thiết kế là 426 triệu m3. Tỉnh vừa tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng và triển khai các biện pháp nâng cấp, tu sửa các hồ đập thủy lợi để bảo đảm an toàn. Qua rà soát cho thấy, 19 hồ chứa bị hư hỏng và có nguy cơ mất an toàn cao khi tích nước; trong đó hồ Sông Móng và Cà Giây bị hư hỏng rất nghiêm trọng.
* Tại tỉnh Tiền Giang, vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh xuống giống được gần 51.700 ha, đạt hơn 98% chỉ tiêu kế hoạch. Đến đầu tháng 3-2021, địa phương đã thu hoạch được hơn 36.500 ha lúa vụ đông xuân với năng suất bình quân hơn 70 tạ/ha và sản lượng khoảng 260.000 tấn. Giá lúa hàng hóa thương lái thu mua cao hơn cùng kỳ từ 1.900 đến 2.500 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 33 đến 34 triệu đồng/ha.
* Tại Nghệ An, hiện nay giá rau xanh giảm nhiều so với trước Tết Nguyên đán 2021. Giá các loại rau mùi, xà lách, rau cải... giảm khoảng từ 20% đến 30%. Ở các vùng trồng rau nổi tiếng tại các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu... lượng người đến tận đồng để thu mua giảm hẳn. Hiện một số địa phương lên kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp và các ngành liên quan quy hoạch cụ thể vùng trồng rau sạch chuyên canh theo nhu cầu thị trường.
* Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) vừa viện trợ khẩn cấp cho các xã và trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gồm: Xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ); xã Phong Bình (huyện Gio Linh); xã Hiền Thanh (huyện Vĩnh Linh); xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng); xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong); xã Thuận (huyện Hướng Hóa); xã Mò Ó (huyện Đakrông) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị để sửa chữa một số công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do thiên tai, với tổng giá trị 300.000 USD.
* Ngày 3-3, UBND phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cho biết, lúc 19 giờ ngày 2-3, một số người dân trong lúc ra hồ tôm sát bờ biển ở thôn Ngoại Hải, phường Quảng Thọ thì phát hiện một con cá voi lớn chết trôi dạt vào bờ và báo chính quyền địa phương. Con cá có thân mầu vàng trắng, dài khoảng 7 m, xác đang trong quá trình phân hủy. Chính quyền địa phương cùng với người dân tổ chức chôn cất cá voi theo phong tục địa phương.