|
Một góc đô thị Cần Thơ |
Lồng ghép giải pháp thích ứng vào kế hoạch phát triển…
Hiện vùng ĐBSCL có 161 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 7 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 22 đô thị loại IV và 121 đô thị loại V, phân bổ dọc theo hành lang hệ thống sông chính và dọc các trục giao thông quan trọng.
Theo Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH (giai đoạn 2013 – 2020) Thủ tướng chính phủ phê duyệt, thì phát triển hệ thống đô thị tại vùng ĐBSCL gắn kết với việc phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, khu vực biên giới thông qua hệ thống giao thông thuận lợi.
Theo đó, đô thị trung tâm gồm thành phố Cần Thơ và các đô thị vệ tinh Cao Lãnh, Long Xuyên, Vĩnh Long và Sa Đéc; thành phố Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo và văn hóa – thể thao; thành phố Long Xuyên là đô thị trung tâm tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Phát triển vùng đô thị Đông Bắc với thành phố Mỹ Tho là đô thị hạt nhân, liên kết với các đô thị Gò Công, Tân An, Trà Vinh, Bến Tre và Tân Thạch, đây là vùng kết nối giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM. Phát triển vùng đô thị Tây Nam với TP.Cà Mau là đô thị hạt nhân kết nối với các đô thị Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Vị Thanh. Từng bước xây dựng phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, trung tâm giao thương lớn của vùng, cả nước và khu vực.
Ông Phạm Quốc Việt Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế - BCĐ Tây Nam bộ, cho rằng: “Những ngành nghề có đặc điểm nhạy cảm như nông nghiệp, thủy sản, y tế, quản lý nguồn nước, rừng, biển… sẽ cần có những biện pháp thích ứng với BĐKH và nước biển dâng (NBD) phù hợp. Việc lồng ghép BĐKH và NBD vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng, có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai của vùng ĐBSCL cũng như của Việt Nam”.
|
Sông Xà No là dòng chảy
chủ đạo trong lòng đô thị Vị Thanh |
Các ý tưởng quy hoạch cần xuất phát từ yếu tố nước trong đô thị…
PGS.TS, KTS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) – Bộ Xây dựng, chỉ rõ đối với vùng thượng lưu (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười), nên phát triển đô thị theo nguyên tắc thích ứng với lũ. Do việc thích ứng tổng thể của vùng này là giữ lũ và chuyển lũ nên các đô thị hạn chế phát triển tập trung, giành không gian chứa nước và các kênh chuyển nước kết nối với các hồ lớn. Đối với các đô thị trung tâm ĐBSCL là các đô thị thường xuyên chịu tác động kép của lũ và nước biển dâng. Vùng này cũng chịu tác động của lũ như vùng thượng lưu nhưng ít cực đoan hơn, đồng thời lại chịu tác động của triều cường. Do đó, giải pháp phát triển đô thị trong vùng một mặt giành không gian giữ nước tạm thời, mặt khác cần kiểm soát ngập lụt để các đô thị có điều kiện phát triển tập trung với đê bao, cống kiểm soát lũ, triều. Đối với các đô thị ven biển, chịu tác động của nước biển dâng, triều cường xâm nhập mặn. Đô thị phát triển phi tập trung, gắn với không gian mở dựa trên khung thiên nhiên (rừng ngập mặn, sông nước…).
Theo ông Cường, để ứng phó rủi ro, các đô thị ĐBSCL nên có cấu trúc phân tán, đảm bảo cho đô thị thực hiện được các chiến lược linh hoạt và giảm thiểu rủi ro. Cấu trúc cơ bản định hình đô thị là hệ thống không gian mở dựa trên khung thiên nhiên đặc trưng của vùng là sông, nước, kênh rạch, các vùng trồng cây ăn quả… Các đô thị phát triển theo chuỗi dọc sông cần xen kẽ cảnh quan, hạ tầng cơ sở nhằm tạo các trung tâm chức năng khác nhau. Các đô thị đa trung tâm phát triển mật độ cao ở những khu vực an toàn, xen kẽ bằng các không gian mở như công viên, hồ điều hòa.
Việc phân khu chức năng đô thị phải giải quyết tốt mạng lưới không gian mở của đô thị. Các không gian mở là các giải pháp phi công trình để ứng phó với tác động của BĐKH. Mạng lưới nước giải quyết các vấn đề về thoát nước và kết hợp với việc sử dụng nước cho hoạt động giải trí và tạo vẻ đẹp cảnh quan. Các yếu tố trong hệ thống dẫn nước là các kênh nước mưa và các dải đất thấp sinh thái, ‘các khu linh hoạt’ là không gian bên sông, mạng lưới làm sạch nước thải phân cấp và chuỗi lưu vực trữ nước bề mặt.
Không gian kiến trúc, cảnh quan cần có sự đan xen giữa xây dựng và không gian cho nước. Các mô hình ở thích hợp với vùng sông nước, thấp tầng, có thể sử dụng các mô hình nhà nổi, nhà ở trên sông… Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung cần quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên môi trường, kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình. Kiến tạo địa hình là công cụ thiết kế chính để định hướng đô thị hóa và duy trì sự cân bằng giữa đào và đắp. Nền xây dựng đô thị cần được cân bằng đào đắp trong cùng khu vực theo nguyên tắc việc đắp cao một khu vực để thích ứng với mực nước thì cần phải tạo một không gian chứa nước tương ứng tại khu vực khác.
PGS.TS.KTS, Lưu Đức Cường, lưu ý: “Sử dụng hồ điều hòa thích ứng với lũ, triều, mưa và có thể cấp nước, tạo cảnh quan. Đối với các đô thị ven biển, khi nguồn nước ngọt hạn chế, trong tương lai hồ điều hòa sẽ có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất. Đối với các đô thị thượng lưu, hồ điều hòa cần có qui mô lớn hơn làm nhiệm vụ trữ nước cho sản xuất trong mùa khô, mùa mưa hồ ngăn nước tràn vào các vùng đô thị. Với các đô thị mới, trong cơ cấu sử dụng đất cần ban hành qui chế tỉ lệ xây hồ để phòng trừ quá tải hệ thống thoát nước sau này và ảnh hưởng BĐKH. Ngoài ra, cần phát triển và biến hệ thống sông kênh rạch hiện hữu làm nhiệm vụ hệ thống các hồ điều hòa trong các đô thị”.
 |
Sông Cái Lớn là
dòng chảy chủ đạo trong lòng đô thị Long Mỹ
|
Tôn trọng cấu trúc đô thị nước, chủ động dành chỗ cho nước…
Thống nhất với các luận điểm của PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục phát triển Đô thị Việt Nam – Bộ Xây dựng, cho rằng qui hoạch xây dựng Vùng, quy hoạch đô thị phải đảm bảo các giải pháp thích ứng với BĐKH, NBD được triển khai trên cơ sở: xác định mô hình hệ thống đô thị phù hợp; cân bằng hệ Địa – Kinh tế - Sinh thái trong cấu trúc đô thị; tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”; Chủ động “dành chỗ cho nước”; Lồng ghép giải pháp qui hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý thủy lợi, tiêu thoát… Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cụ thể xây dựng đê bao, tôn nền vượt lũ, nhà trên cọc… Trên hết, liên kết phát triển đô thị gắn với hệ thống để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
“Cần làm sớm có các nghiên cứu xác định tác động của BĐKH, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, phát triển các ngành sản xuất, du lịch, dịch vụ…, biến thách thức của BĐKH, NBD thành cơ hội mới cho phát triển toàn vùng, từng tiểu vùng và từng đô thị” - Bà Trần Thị Lan Anh, nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ – Mai Như Toàn, cho biết Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định phát triển không gian thành phố theo hướng phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng vùng ĐBSCL. Mô hình phát triển theo chuỗi các khu đô thị trung tâm, đa trung tâm trong vùng đô thị nội thành và các đô thị vệ tinh trung tâm huyện. Phát triển đô thị xanh và mặt nước có không gian đô thị nén, đan xen với mặt nước và các dải cảnh quan xanh.