Bên trong đập Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang).
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các cơ quan khoa học thuộc Bộ NNPTNT, đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, một số vùng trong khu vực có đê bao, bờ bao yếu, có thể không đảm bảo an toàn đối với sản xuất và dân sinh, cần đề phòng xảy ra sự cố khi lũ lên nhanh bất thường do hoạt động điều tiết dòng chảy ở thượng nguồn và lũ kết hợp triều cường.
Để chủ động tổ chức sản xuất nông nghiệp vụ Thu Đông năm 2020 an toàn và hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định cụ thể các đê bao, bờ bao yếu, có nguy cơ xảy sự cố trong mùa lũ; bố trí kinh phí, thực hiện việc gia cố để bảo đảm an toàn chống lũ, đặc biệt đối với các vùng tập trung dân cư và vùng sản xuất trọng điểm.
Hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất nông nghiệp vụ Thu Đông năm 2020 phù hợp với tình hình nguồn nước, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, bảo đảm tận dụng tốt lợi thế do lũ mang lại. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long do các cơ quan chuyên ngành và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NNPTNT cung cấp hằng ngày để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Chủ động xây dựng các kịch bản và phương án để kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó với tình huống lũ bất thường.
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của lũ đến sản xuất, dân sinh…