|
Vườn Quốc gia Cát Tiên. |
* Giá trị đa dạng sinh học cao
Đồng Nai là tỉnh có tính đa dạng sinh học khá cao trong khu vực, đặc biệt tại các khu bảo tồn như Vườn Quốc gia Cát tiên (có diện tích 71.350 ha), Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (100.303 ha), khu bảo tồn vùng nước nội địa hồ Trị An (32.400 ha).
Theo kết quả điều tra mới nhất của cơ quan chức năng, hiện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có 1.552 loài thực vật, 1.682 loài động vật, 99 loài cá và 12 loài tôm nước ngọt. Vườn Quốc gia Cát Tiên có 1.615 loài thực vật và 1.589 loài động vật hoang dã với 105 loài thú, 349 loài chim, 89 loài bò sát, 41 loài lưỡng cư, 134 loài cá và 750 loài côn trùng. Đặc biệt, trong số 1.589 loài động vật đã ghi nhận tại Vườn Quốc gia Cát Tiên có 48 loài động vật đặc hữu cho phân vùng địa sinh học Đông Dương và Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trong khi đó, hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên khá đa dạng về sinh cảnh. Đây là một khu rừng tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng Đông Nam Bộ còn lại, là kho dự trữ nguồn gien động thực vật đáp ứng cho việc tái tạo tính đa dạng sinh học của rừng, là một hiện trường thí nghiệm thiên nhiên để nghiên cứu về sinh thái tài nguyên môi trường. Ngoài các kiểu thảm thực vật còn có các sinh cảnh thủy vực sông suối và các bàu nước như bàu Sấu, bàu Cá, bàu Chim... và cảnh quan thiên nhiên như thác Trời, thác Bến Cự. Các cù lao với nhiều cảnh đẹp trên thượng nguồn sông Đồng Nai có nhiều sinh cảnh còn giữ được tính nguyên sinh khá đậm nét, tiêu biểu là các kiểu rừng đặc trưng của rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp của khu vực gió mùa Đông Nam Á.
* Tuyên tuyền, nâng cao ý thức bảo tồn của người dân
Nhằm bảo vệ các loài động, thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trong năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân.
Cụ thể, tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, phân tán; kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống cháy rừng, bảo vệ tốt rừng đầu nguồn xung yếu và rừng phòng hộ…
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đồng Nai đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tới các đối tượng có liên quan đến việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và người dân sống tại khu vực có rừng, đặc biệt là người dân trực tiếp làm nghề rừng và những hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rung, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm, duy trì lao động bảo vệ, phát triển rừng bền vững; nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban quản lý đã chủ động tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư và học sinh tại các trường thuộc vùng đệm, vùng lõi về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể là triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước 2/2, Ngày đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 5/6 và các chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.