Trọng tâm của hội thảo nhằm hướng đến các giải pháp liên kết chặt chẽ giữa các thay đổi trong sử dụng đất, nước và khả năng bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ đó, thúc đẩy những nghiên cứu mang tính đa ngành cũng như việc xác định chiến lược nhằm tổng hợp tất cả những khía cạnh có liên quan, bao gồm việc ra quyết định dựa trên nền tảng khoa học sử dụng tài nguyên bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh lương thực.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá vùng ĐBSCL được xem là 1 trong những vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản với năng suất cao so với các vùng khác trên thế giới. Tuy nhiên, do tác động của BĐKH, vùng ĐBSCL được xem là khu vực dễ bị tổn thương nhất so với những khu vực khác. Do tác động của BĐKH, dòng chảy từ sông Mê Kông đang suy giảm, cộng với mực nước biển dâng cao, sẽ biến nhiều vùng đồng bằng từ nước ngọt trở thành nước lợ. Những thay đổi về độ mặn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Hiện nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và trồng trọt là những hoạt động sinh kế quan trọng nhất đối với cộng đồng về biển vùng ĐBSCL. Do tác động của BĐKH, mức độ thành công của các ngành nghề có xu hướng giảm dần, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và nhiều người dân phải mất nhiều thời gian tìm nước sinh họat.
TS. Lê Xuân Sinh, Phó trưởng khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Cộng đồng ở đây đã nhận biết được nhiều biểu hiện và nguyên nhân của BĐKH, họ thừa nhận khí hậu ngày càng xấu hơn và bất thường hơn, tác động động mạnh mẽ đến sản xuất, sức khỏe và nguồn nước sinh hoạt. Theo TS Sinh, trước tác động nặng nề của BĐKH, người dân cũng có nhiều giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất nông – lâm – ngư - nghiệp và diêm nghiệp nhưng số vụ, đợt sản xuất hằng năm và tỷ lệ sống của vật nuôi, cây trồng có xu hướng giảm, trong khi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp và sáng kiến giúp ĐBSCL đối phó với các tác động xấu do BĐKH như: dự đoán lũ (sông) trong tương lai để phát triển chiến lược đối phó thích hợp với các kịch bản BĐKH, quan trắc sụt lún đất để làm rõ ảnh hưởng của nước biển dâng; nghiên cứu thích nghi về mặn cho thủy sản; xây dựng giải pháp xử lý nước thải tích hợp cho các khu công nghiệp; thiết lập hệ thống thâm canh lúa… Đặc biệt, là giải pháp tổ chức đối thoại dựa trên diễn đàn giữa 4 quốc gia thành viên Uỷ ban sông Mê Kông (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào) để khuyến khích chia sẻ kiến thức, tăng cường hiểu biết về BĐKH, nhằm giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH./.