Theo JANI, khi có thiên tai, người dân cần được chuẩn bị và có thông tin để đưa ra các quyết định mang tính chất sống còn. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân hình thành kiến thức, thái độ, hành vi qua việc cung cấp thông tin tại các thời điểm quan trọng trước, trong và sau thiên tai. Vì vậy, trong quá trình cải thiện hoạt động dự phòng thiên tai ở Việt Nam, chính quyền và các cơ quan có liên quan nên đầu tư xây dựng quan hệ với cơ quan truyền thông và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan này.
JANI đã đưa ra dẫn chứng về trận bão Ketsana độ bổ vào miền Trung Việt Nam năm 2009. Trận bão đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hoại sinh kế của hàng nghìn người trong nhiều năm sau đó. Cơ quan truyền thông đã phối hợp với các nhà chức trách để phát đi các thông điệp cảnh báo sớm giúp các tàu xa bờ quay về đất liền và giúp sơ tán người dân. Ngoài ra, truyền thông còn giúp bao quát mức độ thiệt hại, biểu dương những người đã nỗ lực tham gia ứng phó cũng như thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế để cung cấp các hỗ trợ về tài chính.
Công tác này đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, truyền thông đại chúng có xu hướng thiên về báo cáo, thường tìm kiếm các câu chuyện xoay quanh các chủ đề nóng. Kết quả là, chúng ta được nghe nhiều hơn về thiên tai trong hoặc sau khi chúng xảy ra (trong giai đoạn đầu của quá trình khắc phục hậu quả) hơn là trước khi thiên tai xảy ra. Xu hướng này phổ biến đối với truyền thông ở nhiều quốc gia chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, một câu chuyện đã được sử dụng nhiều lần để minh họa cho tầm quan trọng của truyền thông “mang tính cảnh báo” trước khi thiên tai xảy ra. Đó là câu chuyện về em Tilly, nữ sinh người Anh 10 tuổi (lúc đó), đã rung chuông báo động và cứu 100 khách du lịch khỏi trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004. Em đã nhận ra được các dấu hiệu về sóng thần sắp xảy ra do học được trong giờ địa lý. Câu chuyện của Tilly đã được phát trên toàn thế giới và nỗ lực của em được mọi người ghi nhận. Em đã được một tờ báo thiếu nhi của Pháp đặt là “Bé gái của năm 2005” (Child of the Year) vì vai trò của em trong việc cứu sống tính mạng của những người khác.
Dù câu chuyện của Tilly là của một bé gái người Anh ở Thái Lan, hẳn là trong thực tế có nhiều câu chuyện tương tự ở Việt Nam đang chờ được phát hiện. Chính những câu chuyện người tốt việc tốt sẽ làm nên những tiêu đề thu hút nhiều độc giả. Người ta sẽ muốn đọc về khía cạnh nhân văn trong thảm họa với tất cả các yếu tố thực như lòng nhân đạo, sự bình tĩnh, thông minh, lòng trắc ẩn. Lòng cam đảm tuyệt vời của Tilly cũng đã gợi ra nhu cầu cần xem xét khái niệm dự phòng thiên tai em học được về bản chất của sóng thần trong giờ địa lý. Nếu không có kiến thức này thì đã không có câu chuyện của Tilly mà thay vào đó có thể là một tiêu đề buồn về thảm họa như bị nước biển nhấn chìm.
Đồng thời, những câu chuyện như của Tilly cũng có thể giúp tập trung xác định các câu hỏi rộng hơn cho vấn đề này: “Tại sao lại không có đủ hệ thống cảnh báo sớm để đảm bảo người dân biết về thảm họa sắp xảy ra?” “Người dân có nhận thức đầy đủ về rủi ro của họ khi ở các khu vực dễ xảy ra thiên tai?” và “Kể từ sau trận sóng thần đã có kế hoạch nào cho các hoạt động dự phòng thiên tai chưa?”
Để giúp giới truyền thông chủ động hơn trong công tác báo cáo về dự phòng thiên tai, một hướng dẫn để tăng cường sự tham gia của giới truyền thông gần đây gợi ý các cách để nâng cao năng lực cho giới truyền thông. Chẳng hạn, qua việc định hướng về các sáng kiến dự phòng thiên tai của chính phủ và các cơ quan phi chính phủ, qua phát triển các kỹ năng và qua thúc đẩy quan hệ với nhiều người cung cấp thông tin (gồm cả các chuyên gia và những người ra quyết định), Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã từng đề cập trong một hướng dẫn rằng cứ mỗi 1 USD chúng ta đầu tư vào hoạt động phòng ngừa thì có thể tiết kiệm 7 USD cho hoạt động phục hồi.
Dự án “Sáng kiến mạng lưới vận động chính sách chung” (JANI) đã và đang dẫn đầu các sáng kiến về sự tham gia của truyền thông trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam. Là một mạng lưới hợp tác gồm 14 tổ chức với các chuyên gia giàu kỹ năng về phương pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (QLRRTT-DVCĐ), JANI đang có điều kiện tốt để giúp giới truyền thông cải thiện các tin bài về thiên tai và các phương pháp giảm rủi ro cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Gần đây JANI đã tổ chức một chuyến tham quan cho giới truyền thông tới các địa bàn dự án của thành viên mình trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tiếp theo đó, một loạt các cuộc thảo luận bàn tròn giữa các nhà báo, các thành viên trong cộng đồng, các lãnh đạo chính quyền và các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới việc “tăng cường lồng ghép phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai dự vào cộng đồng” sẽ được phát sóng vào ngày 26/8 trên kênh VTC14, 28/8 trên VTV2 và sau đó là VTV1. Mục đích của diễn đàn này là mở ra các kênh giao tiếp giữa những người đóng vai trò chính trong quản lý thiên tai với giới truyền thông như là “các đối tác trong công tác dự phòng”.
Dự án JANI sẽ có các khoản tài trợ cho các nhà báo muốn trở thành người đi đầu viết chuyên sâu về lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hay các sáng kiến dự phòng thiên tai./.