Để từng bước nghiên cứu, thí điểm và tham mưu áp dụng các giải pháp hỗ trợ tâm lý trong phòng chống thiên tai, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Văn phòng thường trực Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật), Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng (CORMIS), Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo châu Á (HAS) tổ chức Hội thảo giới thiệu giải pháp hỗ trợ tâm lý (TRE®) thông qua các bài tập giúp tăng năng lực và khả năng chống chịu của cộng đồng người dân, cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai. Tham dự Hội thảo có đại diện của các Bộ, ban ngành là thành viên Uỷ ban Quóc gia về người khuyết tật tại Việt Nam, có tổ chức trong nước và quốc tế làm công tác phòng chống thiên tai và quyền của người khuyết tật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, kiêm Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt nam đánh giá cao các lợi ích mà phương pháp TRE® mang lại đối với cộng đồng, đặc biệt đối với người khuyết tật (NKT). Ông cho rằng phương pháp luyện tập này cần được nhân rộng và phổ biến cho cộng đồng người khuyết tật biết và luyện tập nhất là những người khó tiếp cận và khuyết tật đặc biệt nặng. Đối với công tác phòng chống thiên tai, ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai nhấn mạnh cần lồng ghép các bài tập hỗ trợ tâm lý vào các giai đoạn phòng chống thiên tai thiên tai; mặc dù hiện áp dụng đối với cộng đồng người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng nếu áp dụng tốt trong giai đoạn phòng ngừa sẽ giúp cho cộng đồng được chuẩn bị về mặt tâm lý để tăng khả năng chống chịu.
Các bài tập hỗ trợ tâm lý hoàn toàn phù hợp với mọi dạng khuyết tật, không cần đầu tư nhiều dụng cụ cũng như phòng tập, chi phí rẻ, hiệu quả cao mà lại dễ thực hành hơn các loại thể thao khác. Hy vọng mở được các lớp ToT ở tất cả các cấp để NKT ở các huyện hội có thể tham gia; phổ biến tài liệu TRE® lên mạng để phổ biến cho cộng đồng NKT tự luyện tập, có thể đưa lên website của Ủy ban Quốc gia về NKT – Phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, kiêm Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt nam
Tại Hội thảo, các đại biểu được giới thiệu lợi ích của TRE, chia sẻ các kết quả đã đạt được khi áp dụng tại các quốc gia trên thế giới (Nhật bản sau động đất sóng thần năm 2011, Philippin sau Siêu bão Hải Yến năm 2015 và tại Trung quốc, Nepal sau động đất. Đặc biệt các chia sẻ kết quả, hiệu quả khi áp dụng TRE® cho Hội người khuyết tật huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; Nhóm người khiếm thính, khiếm thị và khuyết tật vận động thuộc Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội
Từ khi tập TRE®, tôi đã có thay đổi rất nhiều về sức khỏe, tinh thần và sự tự tin. Tôi thấy trong người ít nhức mỏi hơn, ngủ ngon hơn. Tôi không còn buồn và cô đơn như trước mà luôn cảm thấy vui vẻ, thường xuyên ra ngoài gặp gỡ bạn bè, siêng năng làm việc và tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Tôi nhận thấy TRE® rất phù hợp với NKT, những người luôn cảm thấy cô đơn, mặc cảm, luôn có cảm giác bị bỏ rơi, bài tập TRE® sẽ giúp họ trở nên tự tin để hòa nhập cộng đồng. Tôi rất mong bài tập này sẽ được phổ biến đến NKT và những nơi khác nữa – Chia sẻ của ông Nguyễn Đình Ba, Hội viên Hội Người khuyết tật thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Bà Sae Kani, Giám đốc Trung tâm HAS (Humanitarian Support Asia) cho rằng để lồng ghép TRE® vào các giai đoạn thiên tai sẽ giúp cộng đồng ngăn ngừa các tổn thương về mặt tâm lý (giai đoạn trước thiên tai), phục hồi tâm lý cho người dân sau thiên tai (giai đoạn trong thiên tai) và hỗ trợ giải tỏa căng thẳng, trầm cảm cho cộng đồng và xác định những người cần hỗ trợ đặc biệt từ các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ kịp thời (giai đoạn sau thiên tai) thông qua đào tạo nhóm thúc đẩy TRE® và hướng dẫn thực hiện TRE® cho những người làm công tác cứu trợ.
Các bài tập hỗ trợ tâm lý (TRE®) là một sáng kiến về chuỗi bài tập đơn giản làm kích hoạt cơ chế rung tự nhiên của cơ thể trong hệ thần kinh giúp giảm căng thẳng và đau nhức. Nhờ vậy, tâm trạng có thể trở về trạng thái cân bằng. TRE® đã được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng trên 35 nước trên thế giới. Trong thời gian gần đây, TRE được hướng dẫn để hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng từ thiên tai ở Trung Quốc, Nhật, Philippin, Nepal, Palestin. - Bà Sae Kani, Giám đốc Trung tâm HAS
Nhằm giúp các đại biểu có trải nghiệm ban đầu sau khi tập TRE®, tập huấn viên của Trung tâm CORMIS và 02 chuyên gia quốc tế từ Trung tâm HAS đã hướng dẫn các đại biểu tham gia tập TRE®. Sau buổi tập các đại biểu đều có đánh giá chung là các bài tập rất đơn giản, không tốn quá nhiều sức, sau khi tập thấy tinh thần thoải mái hơn và mong muốn thúc đẩy, thành lập nhóm giảng viên TRE® tại Việt Nam.
Tập xong thoải mái vô cùng, trước đây đã từng rung nhưng nghĩ là không bình thường nên tự điều khiển cho hết rung, bây giờ đã biết các lợi ích và biết cách tập để rung. Thích tập TRE® theo nhóm vì thoải mái - Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Sau Hội thảo, nhóm chuyên gia của Trung tâm CORMIS và 02 chuyên gia quốc tế của Trung tâm HAS đã gặp xã giao và báo cáo các hoạt động TRE® với Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai. Tại cuộc gặp, Tổng cục trưởng cho rằng các giải pháp hỗ trợ tâm lý cho cộng đồng bị ảnh hưởng thiên tai tại Việt Nam đang được quan tâm nhưng chưa có giải pháp phù hợp. Vì vậy với kết quả áp dụng TRE® tại nhiều nước trên thế giới, hy vọng TRE® sẽ có thể áp dụng được tại Việt Nam. Tổng cục trưởng giao Trung tâm phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và xem xét áp dụng thực tế tại Việt Nam.
Cùng ngày, Nhóm tập huấn TRE® đã làm việc với Cục Bảo trợ xã hội và Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai nhằm xem xét từng bước áp dụng TRE® tại Việt Nam. Tại cuộc họp với Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai, hai bên thống nhất từng bước áp dụng thí điểm TRE® vào các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, lâu dài phát triển đội ngũ tập huấn viên của Trung tâm để có thể chủ động áp dụng TRE® trong phòng chống thiên tai.
Tại buổi làm việc, bà Sae Kani – Giám đốc tổ chức HAS (Humanitarian Support Asia) đã đánh giá cao việc áp dụng các bài tập giải tỏa căng thẳng để hỗ trợ người dân nâng cao khả năng chống chịu khi có thiên tai xảy ra đặc biệt là việc lồng ghép TRE® vào các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm tăng tính bền vững của hoạt động. Bà cho rằng thời điểm thích hợp nhất để lồng ghép TRE® là vào giai đoạn trước khi thiên tai xảy ra nhằm giúp người dân nhận biết được khả năng và chủ động đưa ra các quyết định phù hợp, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của bản thân, tránh được các tổn thương về mặt tâm lý. Nhóm hỗ trợ cấp xã cần được đào tạo vì đây là nhóm sẽ duy trì hoạt động với nòng cốt là Hội phụ nữ kết hợp với Trạm y tế xã.
|
Cán bộ Trung tâm chụp ảnh chung với Giảng Viên TRE®
|
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm cũng cho rằng các bài tập TRE® có thể được lồng ghép vào các khóa tập huấn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trung tâm đóng vai trò xây dựng đội ngũ liên quan đến đào tạo về TRE®. Cùng ngày, các cán bộ của Trung tâm cũng tham gia tập TRE® dưới sự hướng dẫn của chuyên gia quốc tế và Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS).
|
Cán bộ Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai tập TRE®
|
Video minh họa
Chi tiết slide bài giảng TRE tải tại đây