Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện mặn đã bắt đầu xâm nhập ở một số xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển Tây đổ vào thuộc thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ như xã Hỏa Tiến, Vĩnh Viễn… với nồng độ mặn là 3 phần ngàn. Trong những ngày tới, không loại trừ khả năng nước mặn sẽ tiếp tục lấn sâu vào trung tâm của thành phố Vị Thanh. Nếu diện tích cũng như nồng độ mặn năm nay bằng năm 2009 thì nguy cơ thiệt hại trên diện tích lúa hè thu của bà con do nhiễm mặn là rất lớn, khoảng 2.000 ha.
Hiện chính quyền địa phương ở các khu vực có nguy cơ bị mặn xâm nhập đã tiến hành kiểm tra, tu sửa các cống đập thời vụ. Tại những nơi có nồng độ nhiễm mặn từ 3 phần ngàn trở lên, tiến hành cho xuống đập thời vụ để ngăn mặn. Dự kiến sẽ có hàng trăm đập thời vụ được triển khai trong mùa khô năm nay nhằm ngăn mặn, giữ ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Về giải pháp căn cơ lâu dài, tỉnh Hậu Giang phấn đấu hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ ngay trong năm nay. Sau đó, tỉnh tiếp tục triển khai thêm một số dự án ngăn mặn triệt để trên địa bàn và ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như dự án đê bao tuyến Vị Thanh - Vịnh Chèo (huyện Vị Thủy), dự án Vị Thủy - Vịnh Chèo, dự án Nam Xà No với tổng chiều dài khoảng 20 km và kinh phí dự kiến gần 300 tỷ đồng; nhanh chóng hoàn chỉnh dự án WB6 (Ômôn - Xà No) giai đoạn 2 với gần 30 cống cấp 2. Hậu Giang cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hồ nước ngọt tại xã Vĩnh Tường bằng nguồn vốn ODA với diện tích hồ 100 ha để trữ nước ngọt trong vùng.
Nhằm ngăn mặn triệt để trên địa bàn, ngoài giải pháp công trình, Hậu Giang cũng phối hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực nghiệm giống lúa OM 5464 thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Giống lúa này đang được ngành nông nghiệp nhân ra để phục vụ bà con canh tác trong các vụ tới./.