Nhà nghiên cứu rừng thuộc Đại học Alberta (Canađa), Mike Flannigan nói: "Trái đất càng ấm lên thì hỏa hoạn sẽ càng xảy ra nhiều hơn và đó là điều chắc chắn. Số lượng các đám cháy tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp ba vẫn còn là ước tính dè dặt". Trong khi các kết quả nghiên cứu của ông Flannigan cho thấy nguy cơ cháy rừng tăng lên gấp ba trong tương lai, thì một nguy cơ gia tăng tương tự của các trận cháy than bùn sẽ còn gây nguy hiểm hơn nữa. Hiện tại, có hàng triệu km2 vùng bình nguyên có trữ lượng than bùn tại Bắc Bán cầu, giữ trong đó một lượng cácbon thừa đủ làm tăng nền nhiệt độ toàn cầu lên cao và sẵn sàng phá hủy hầu hết khu vực trên hành tinh nếu bốc cháy.
Nghiên cứu cho thấy, các vụ cháy rừng tại Indonesia năm 1997, kéo dài trong nhiều tháng, đã đốt cháy các vùng đất nhiều than bùn, giải phóng khoảng 20-40% lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu của cả năm 2007.
Theo Giáo sư Flannigan, "có một lượng tiềm tàng cácbon và các khí thải nhà kính khác sẽ giải phóng ra từ các ngọn lửa than bùn trong tương lai". Khi các ngọn lửa than bùn giải phóng ra một lượng lớn khí cácbon, nhiệt độ trái đất sẽ tăng nhanh hơn nữa, dẫn đến tình trạng khô hạn các rừng cây và vùng than bùn, làm tăng khả năng xảy ra hỏa hoạn.
Khi tình trạng hỏa hoạn gia tăng do tình trạng ấm lên của toàn cầu được phát hiện ra lần đầu tiên vào năm 2006, Tiến sĩ Johann Goldammer đến từ Trung tâm Quản lý hỏa hoạn toàn cầu thuộc trường Đại học Freiburg (Đức) đã gọi bộ phận rừng ở Bắc Bán cầu như một quả bom cácbon, trực chờ bốc cháy".
Nghiên cứu của Flannigan dựa trên các dự án khí hậu cho năm 2070-2090. Các cánh rừng sẽ trở nên khô hạn hơn và sét sẽ xuất hiện nhiều hơn với cường độ cao hơn. Khắp nơi trên trái đất, hầu hết đám cháy do con người gây ra, ngoại trừ những vùng xa xôi hẻo lánh và vùng hoang mạc không cây cối. Sét đã làm cháy sáng 1.000 km2 vùng lãnh nguyên bởi than bùn tại lưu vực sông Anaktuvuk của Alaska vào năm 2007. Sét dường như đã trở nên quen thuộc hơn khi nhiệt độ của các khu vực tăng hơn 2-3 độ C. Khói do than bùn lưu vực sông Anaktuvuk cháy âm ỉ suốt gần 3 tháng, đã giải phóng ra khoảng 2 triệu tấn khí CO2.
Giáo sư Flannigan cho hay, "than bùn có thể ở sâu đến vài mét dưới lòng đất. Trên thực tế, một số ngọn lửa than bùn đốt cháy ngay trong mùa Đông, ngay dưới lớp băng tuyết, sau đó bùng phát trở lại vào mùa Xuân”.
Theo nhà sinh thái học Merritt Turetsky, thuộc trường Đại học Guelph của Canađa, khoảng 50% lượng đất cácbon trên thế giới bị "khóa lại" tại các vùng đất bị đóng băng và lẫn trong đất tại các vùng than bùn. Lượng cácbon này được tích tụ qua hàng ngàn năm, nhưng các trận cháy hoàn toàn có thể giải phóng nhanh chóng trữ lượng khổng lồ này vào khí quyển..
Các nhà nghiên cứu khác cho rằng, quy mô trung bình của một vụ cháy rừng ở khu vực Tây Bắc Canađa đã tăng lên gấp 3 lần kể từ những năm 80 của Thế kỷ trước. Rất nhiều khu vực rừng rộng lớn của Canađa đang tiến gần tới điểm đáng báo động, cảnh báo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Helmhltz về nghiên cứu môi trường.
Trong một nghiên cứu công bố tháng 12/2011 trên tờ The American Naturalist, các nhà nghiên cứu Đức kết luận, "những thay đổi mạnh mẽ trong khuôn mẫu của một đám cháy thông thường vừa diễn ra với chỉ một chút tăng nhẹ về nhiệt độ, liên quan đến nền nhiệt độ trong tương lai".
Trên toàn cầu, ước tính hỏa hoạn đã thiêu rụi 350 - 450 triệu ha rừng và đồng cỏ mỗi năm. Con số đó lớn hơn diện tích lãnh thổ Ấn Độ.
Những đánh giá đầu tiên về ảnh hưởng của các vụ cháy rừng tới sức khỏe của con người, đã đưa ra ước tính 339.000 người chết mỗi năm do hô hấp và các bệnh liên quan đến hỏa hoạn khác, trong đó 50% số người chết là ở châu Phi và khoảng 100.000 trường hợp khác ở Đông Nam Á. Khói nặng chứa một lượng lớn các phân tử nhỏ có khả năng phá hủy mạnh mẽ tới phổi và hệ tim mạch và gây ra các cơn đau tim.
Các vụ cháy rừng gây thiệt hại nhiều tỷ USD nguyên liệu mỗi năm. Trong tương lai, các vụ cháy sẽ còn lớn hơn, khốc liệt hơn, phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát và ngăn chặn của con người.