Những chiếc xe bị mắc kẹt do nước dâng cao trong ngày 2-9 trên Đường cao tốc Major Deegan ở quận Bronx, New York, Mỹ.
Hầu hết tử vong do mắc kẹt trong xe
Trong một thông báo tới các phóng viên ngày 2-9 (giờ địa phương), Thống đốc bang New Jersey, Phil Murphy, cho biết tính tới thời điểm này đã có ít nhất 23 người thuộc bang New Jersey thiệt mạng. Theo cảnh sát thành phố New York, mưa lũ cũng cướp đi sinh mạng 16 người ở thành phố New York và 7 người ở khu vực ngoại ô Westchester.
Thống đốc Phil Murphy cho biết phần lớn trường hợp thiệt mạng là những người bị mắc kẹt trong xe của họ và "bị nước cuốn trôi". Lực lượng cứu hộ khẩn cấp đã giải cứu nhiều người bị mắc kẹt trong nhà và trong ô tô của họ hôm 2-9. Nhiều khu phố vẫn bị ngập nặng, đường biến thành sông do ảnh hưởng của bão Ida.
Khoảng 98.000 ngôi nhà ở Pennsylvania, 60.000 ngôi nhà ở New Jersey và 40.000 ngôi nhà ở New York rơi vào tình trạng mất điện. Từ ngày 1-9, Thống đốc New York và New Jersey đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở các bang này, kêu gọi người dân ở trong nhà khi các đội cứu hộ dọn dẹp đường phố và khôi phục dịch vụ tàu điện ngầm và đường sắt phục vụ hàng triệu người dân.
Siêu bão Ida đã đổ bộ vào bang miền Nam Louisiana hồi cuối tuần trước, gây ra lũ lụt nghiêm trọng và lốc xoáy khi cơn bão này di chuyển theo hướng Bắc. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thị sát tại Louisiana vào ngày 3-9 nhằm đánh giá những thiệt hại do bão và công tác khắc phục sau bão.
Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo này cho biết, những thiệt hại do bão Ida cho thấy "khủng hoảng khí hậu và những cơn bão cực đoan" là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay
Một con phố ngập lụt ở Philadelphia trong ngày 2-9.
Vì sao bão Ida vẫn tàn khốc dù đã đi sâu vào đất liền?
Sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Ida được cho là khá bất thường vì dù đã đi sâu vào đất liền nó vẫn gây ra những hậu quả thảm khốc.
Theo AP, hiện tượng lũ lụt chết người mặc dù bão đã đổ bộ sâu vào đất liền như vậy đã từng xảy ra trước đây. Các nhà khoa học trước đó cũng đã cảnh báo rằng siêu bão Ida có khả năng dẫn đến hiện tượng đó, Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết cơn bão có sức mưa quá mạnh và đến quá nhanh khiến khu vực gặp khó khăn khi đối phó với “siêu bão” này.
Theo các nhà khí tượng học và khoa học khí quyển, mặc dù Ida đã mất hầu hết lực gió, cơn bão vẫn giữ nguyên được sức mạnh. Sau khi tiếp tục đi sâu vào đất liền, cơn bão này hợp nhất với front bão ẩm ướt và đang mạnh lên. Điều này có thể dẫn đến "lượng mưa cực kỳ lớn", giáo sư khí tượng Kerry Emanuel của MIT cho biết. “Cơn bão Camille năm 1969 cũng từng xảy ra theo cách tương tự. Cơn bão này đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người ở Virginia do tình trạng lũ lụt sau khi đổ bộ vào đất liền với cấp độ 5 ở bang Mississippi”, ông cho biết.
Cuối tuần qua, Giám đốc Cơ quan Thời tiết Quốc gia Louis Uccellini và các nhà khí tượng học khác bắt đầu nhận thấy sự giống nhau kỳ lạ giữa Ida và Camille. Điều này đã khiến họ phải nâng cao cảnh giác. “Chúng tôi đều nhận thức được khả năng này. Các cuộc thảo luận thậm chí đã được bắt đầu ngay trước khi cơn bão đổ bộ vào Louisiana”, AP dẫn lời ông Uccellini cho biết.
Theo hiáo sư khí tượng Marshall Shepherd của Đại học Georgia, lượng mưa lớn hơn đổ xuống các khu vực đô thị như đường và bãi đậu xe, khiến nước chảy nhiều hơn, từ đó gây ra lũ lụt. "Tác động của con người trong các thảm họa lũ lụt thường bị bỏ qua", ông cho biết.
Nhà nghiên cứu khí hậu Adam Sobel của Đại học Columbia thừa nhận, rõ ràng là cơ sở hạ tầng của nước Mỹ không thể ứng phó được với các hiện tượng như thế này.