Mục tiêu của hội nghị: (1) tăng cường cam kết chính trị và sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho các hành động cấp địa phương trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai; (2) kiểm điểm thực thi những khuyến nghị và đề xuất sau Diễn đàn toàn cầu lần thứ 3 về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai với chủ đề “Đầu tư hôm nay cho một ngày mai an toàn hơn - tăng cường đầu tư cho các hành động địa phương”; (3) thiết lập cơ chế thực thi và hợp tác nhằm xây dựng khả năng hồi phục cấp địa phương ở tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương; (4) để thúc đẩy thực tiễn và kiến thức địa phương như là một biện pháp tăng cường năng lực địa phương trong Giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Chủ đề của Hội nghị là "Tăng cường năng lực địa phương về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai", trong đó có 3 tiểu chủ đề, gồm:
1. Tích hợp công tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương vào lập kế hoạch phát triển quốc gia;
2. Đánh giá rủi ro địa phương và tài chính;
3. Tăng cường năng lực quản lý rủi ro và quan hệ đối tác địa phương.
Ngoài các phiên họp chính, Hội nghị đã có 18 cuộc họp, hội thảo kỹ thuật trù bị; có 27 sự kiện bên lề; 5 phiên họp đặc biệt; tổ chức triển lãm, trưng bày các áp phích; liên hoan và trao giải phim; đi thực địa đến khu vực bị ảnh hưởng bởi núi lửa Merapi phun trào vào năm 2010.
Thay mặt Bộ trưởng, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng trình bày tuyên bố của Việt Nam tại phiên bàn tròn cấp cao 2 với chủ đề ” Đánh giá rủi ro địa phương và tài chính”, trong đó, Thứ trưởng đã đề cập đến các thách thức đối với Việt Nam như là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thứ trưởng cũng khẳng định việc tham gia và thực thi các cam kết quốc tế như công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định Asean về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp.
Thứ trưởng cũng đã nêu bật việc nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực và phân cấp quản lý cho địa phương trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời, khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng trong phối hợp giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết hợp tác có trách nhiệm với các đối tác trong nước, khu vực và quốc tế trong quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng đã có một số cuộc gặp xã giao và trao đổi với một số đoàn: Với Bà Magareta Woltrom, trợ lí đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai; với Tiến sỹ Shirish, Trưởng Văn phòng khu vực Châu Á của “Diễn đàn về thông tin không gian quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc – UNSPIDER”, trao đổi về khả năng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy, ứng dụng thông tin không gian vào công tác quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam; với Thứ trưởng - Trưởng đoàn Đông Ti Mo theo đề nghị từ phía bạn. Đoàn Đông Ti Mo đã ghi nhận các kinh nghiệm quản lý thiên tai của Việt Nam là hữu ích trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý thiên tai ở Đông Ti Mo.
Sau 3 ngày làm việc, hội nghị đã ra tuyên bố chung Bộ trưởng - “Tuyên bố Yogyakarta”, trong đó đã nhấn mạnh và kêu gọi các nước, tổ chức quốc tế ưu tiên hành động và tích hợp các nội dung của tuyên bố vào các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động của chính phủ về một số nội dung chính sau: Lồng ghép hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cấp địa phương vào kế hoạch phát triển quốc gia; Đánh giá rủi ro địa phương và Tài chính; Tăng cường quản lí rủi ro cấp địa phương và xây dựng đối tác; Xây dựng khả năng phục hồi ở cấp địa phương; Xác định các biện pháp, giải pháp khung giảm nhẹ thiên tai sau năm 2015 (Khung hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai Hyogo sẽ kết thúc vào năm 2015); Giảm nhẹ các chỉ số/yếu tố rủi ro chính; Thực hiện những nội dung xuyên suốt trong khung hành động Hyogo;
Hội nghị tiếp theo (lần thứ 6) dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2014, do Chính phủ Thái lan đăng cai./.