Ngày 11/12, Hội nghị biến đổi khí hậu tại Nam Phi kết thúc sau 14 ngày họp căng thẳng. Kết thúc hội nghị, 194 nước tham gia hội nghị đã thông qua một quyết định quan trọng liên quan đến việc gia hạn Nghị định thư Kyoto, thành lập Quỹ khí hậu xanh và các bước đi mới nhằm thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020. Mặc dù được đánh giá là không “hoàn hảo như mong đợi” nhưng kết quả này được cho là thành công hơn nhiều so với các hội nghị trước đó và làm hài lòng nhiều nước tham gia hội nghị.
Theo thỏa thuận mới đạt được, tất cả các nước đều phải thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực muộn nhất là vào năm 2020. Các đại biểu cũng nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa. Hiện tại, theo Nghị định thư Kyoto, chỉ có các nước công nghiệp phát triển phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải.
Kết quả này đạt được sau 14 ngày họp nhằm cứu Hội nghị khỏi thất bại như các hội nghị diễn ra trong hai năm trước tại Copenhagen và Cancun. Nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh kết quả đạt được tại hội nghị Durban lần này.
|
Đại biểu tham dự Hội nghị Durban (ảnh Tân Hoa xã) |
Đoàn đại biểu Trung Quốc cho rằng, hội nghị lần này đã đưa ra các kết quả tích cực và cân bằng. Thỏa thuận đạt được hoàn toàn tuân theo Công ước khung Liên Hợp Quốc, Nghị định thư Kyoto và Lộ trình Bali. Theo trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc, điều quan trọng nhất tại hội nghị lần này là quyết định gia hạn Nghị định thư Kyoto- mối quan tâm lớn của các nước đang phát triển. Ngoài ra cũng có nhiều bước tiến quan trọng trong việc thành lập Quỹ khí hậu xanh và quản lý các nguồn tài chính giúp hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề khí hậu Conie Hedega cũng cho rằng các cuộc đối thoại đã diễn ra đúng hướng: “Các cuộc đối thoại diễn ra rất tích cực. Tôi tin rằng khi Bộ trưởng Brazil thông báo rằng, họ không chỉ quan tâm đến thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lí mà bản thân họ cũng thấy có nghĩa vụ pháp lí thực hiện, và một số tuyên bố của Mỹ gần đây, tôi có thể nhận thấy rằng mọi thứ đang bắt đầu đi đúng hướng”.
Thỏa thuận này cũng được các nền kinh tế đang nổi lên là Brazil, Ấn Độ - những nước đã phản đối đề xuất của Liên minh châu Âu trước đó ủng hộ. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan nói: “Đây là một thành công lớn và chúng tôi vui vì thành công lớn đã đạt được bất chấp có nhiều quan điểm khác biệt được đưa ra. Ấn Độ và các nước khác đều thể hiện rõ thành ý của mình. Vì vậy chúng tôi rất vui với thành công đạt được”.
Với kết quả đạt được vào phút chót sau 14 ngày làm việc căng thẳng, thỏa thuận này dường như vẫn chưa làm hài lòng nhiều đại biểu tham gia hội nghị. Một số đại biểu cho rằng, thỏa thuận này vẫn chưa đủ mạnh để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Trưởng đoàn đàm phán Nam Phi Toso Mpanu nói: “Chúng ta mới đi được nửa con đường. Tất nhiên là chúng tôi không hoàn toàn hài lòng với kết quả này. Tôi thấy nó thiếu sự cân bằng và chưa tính đến lợi ích chung cũng như trách nhiệm khác nhau. Tuy nhiên tôi cũng thấy đây là một bước đi đúng hướng”.
Việc đưa ra được một thỏa thuận, vạch ra một lộ trình mới, nhưng câu hỏi lớn được đặt ra sau khi hội nghị kết thúc là liệu các nước có tuân theo thỏa thuận này hay không và làm thế nào để các nước thực hiện các cam kết của mình. Nhận định về điều này, Thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu Cristina Figuere cho rằng, đó là nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc và Liên Hợp Quốc sẽ làm được điều này.
Mặc dù không được đánh giá là hoàn hảo như mong đợi nhưng theo Ngoại trưởng Nam Phi Masaban, kết quả đạt được tại hội nghị này sẽ là một cơ hội lớn để tiếp tục quá trình thảo luận những vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trong tương lai, cũng như không làm mất đi những điều tốt đẹp và hy vọng về một thế giới tốt đẹp và an toàn hơn./.