Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về kinh nghiệm cũng như các cách tiếp cận trong việc ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực đô thị: Kinh nghiệm xây dựng năng lực ứng phó thiên tai của Đà nẵng (mô hình điều phối); Mô hình quản lý lụt và sạt lở dựa vào cộng đồng ở Cần Thơ; Kinh nghiệm ứng phó thiên tai khu vực đô thi- các thách thức và khó khăn tại Quảng Bình; Kinh nghiệm về thu hút doanh nghiệp trong xây dựng năng lực ứng phó thiên tai tại Hải Phòng…
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, nhiệt tình về các thách thức, rào cản và các giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực đô thị. Kết qủa, Hội thảo đã tìm ra những thuận lợi và các thách thức như sau:
Thuận lợi:
- Sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác ứng phó với thiên tai;
- Huy động những nguồn lực vật chất dễ dàng;
- Nhà cửa được kiên cố hóa, có thể là trung tâm tránh bão;
- Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp du lịch;
- Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ đã có sự phối hợp chặt chẽ và hệ thống hóa nhằm tránh chồng chéo và hỗ trợ lẫn nhau;
- Cộng đồng có kinh nghiệm ứng phó thiên tai.
Các thách thức:
- Các loại hình thiên tai xảy ra ngày càng trầm trọng và bất thường;
- Đánh giá, hỗ trợ chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, ở đô thị mới tập trung chủ yếu vào các vấn đề về an sinh xã hội;
- Các hành động, hướng dẫn tập trung nhiều vào công tác cứu trợ khẩn cấp, còn hạn chế trong công tác giảm nhẹ, phòng ngừa;
- Văn bản, quy định, hướng dẫn chưa tập trung và thiếu đồng bộ;
- Quy hoạch xây dựng thiếu lồng ghép rủi ro thiên tai, đầu từ CSHT yếu, chất lượng công trình chưa cao;
- Đô thị có các đặc thù riêng về rủi ro, tính dễ bị tổn thương, nhu cầu;
- Nhận thức của người dân về rủi ro và cách ứng phó;
- Thiếu mạng lưới phối hợp, sự kết hợp giữa các khung chính sách;
- Thông tin liên lạc, năng lượng, giao thông khi thảm họa xảy ra;
- Cách tiếp cận hai chiều trong đánh giá, xây dựng kế hoạch còn mới;
- Việc huy động sự tham gia, phối hợp của khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế;
- BĐKH có phạm vi rộng, cần quan tâm đến liên kết vùng (địa lý, nông thôn-đô thị)
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân về công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực đô thị. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục kết nối, hợp tác để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực đô thị trong thời gian tới.