Chín báo cáo, tham luận trình bày tại hội thảo đã chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của người dân trong từng gia đình, cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, hình thành ý thức tự giác sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hợp lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng nêu ra nhiều các giải pháp nhằm khai thác hợp lý tài nguyên vùng đầm phá, tài nguyên rừng, khoáng sản, xử lý những nơi bị ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch và bảo vệ đa dạng sinh học; tích cực tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc bảo vệ cây xanh, xây dựng cảnh quan môi trường "xanh, sạch, đẹp".
Việc tăng cường sự phối kết hợp các bên liên quan ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai tích cực và liên tục trong thời gian qua, nhằm bảo vệ hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng trên đầm phá. Trên thực tế, rất nhiều hoạt động đã và đang được thực hiện nhằm hướng đến bảo vệ môi trường và gìn giữ nguồn tài nguyên đầm phá. Các hình thức tập huấn, những dự án trồng cây vùng ngập mặn, bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao năng lực cho người nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân đi đôi với việc quản lý tài nguyên bền vững. Các dự án cũng giúp thiết lập các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý đầm phá, nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ kỹ thuật cho ngư dân cũng như đa dạng hóa loại hình sinh kế nhằm phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những điểm chưa làm được như tình trạng dự án chồng chéo nhau, thiếu đầu mối thông tin…
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế có diện tích mặt nước rộng hơn 22.000 ha; đây là hệ đầm phá có sự phát triển và biến đổi rất phức tạp. Việc bồi lấp các cửa Thuận An, đặc biệt là cửa Tư Hiền, cùng với hiện tượng thời tiết bất thường trong thời gian qua gây nhiều hậu quả nặng nề về môi trường, sinh thái, thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và tạo ra trạng thái phát triển không bền vững ở vùng ven bờ địa phương Thừa Thiên - Huế. Hiện tượng ngọt hoá vực nước do sự bồi đắp cửa Tư Hiền vào mùa hè gây suy thoái hệ sinh thái đầm phá, làm giảm đa dạng sinh học, giảm hiệu quả của nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, giảm chất lượng môi trường nước, tăng mức ô nhiễm, làm tăng khả năng sa bồi, nông hóa vực nước và tăng nhanh khả năng suy tàn của đầm phá. Đây là những vấn đề nan giải mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tìm các giải pháp khắc phục.