Tham dự hội thảo có các đại diện của các cơ quan: Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai – Tổng cục Thủy lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Lao động – Xã hội, Trung ương hội chữ thập đỏ Việt Nam, các cán bộ thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội của 06 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, An Giang, Hòa Bình, Đồng Tháp, Nghệ An.
Khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Trung - Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và can thiệp sớm để giúp trẻ ứng phó tốt hơn và được bảo vệ tốt hơn, tránh được nhiều vấn đề phát triển sau này khi tình trạng khẩn cấp xảy ra.
Tại hội thảo, đại diện tổ chức UNICEF ở Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về công tác bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, thực trạng ở Việt Nam.
Cuốn tài liệu hướng dẫn được biên soạn chủ yếu dành cho cán bộ cấp xã, huyện và tỉnh trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cung cấp những chỉ dẫn cụ thể và thực tiễn về việc cần làm gì trong mọi trường hợp.
Sau các bài trình bày, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhóm với các nội dung chính:
- Các mục tiêu cụ thể: Đảm bảo trẻ không bị ly tán khỏi gia đình; đảm bảo an toàn cho trẻ em; đảm bảo cho trẻ không bị xâm hại, bóc lột, ngược đãi; đảm bảo việc chăm sóc tâm lý xã hội cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp.
- Lồng ghép các biện pháp hỗ trợ tâm lý xã hội vào kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương.
- Vai trò trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp.
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất với các nội dung đã được trình bày trong tài liệu hướng dẫn, đối với mỗi mục tiêu cụ thể đều có những hoạt động trước, trong và sau tình trạng khẩn cấp. Bản dự thảo có bố cục đầy đủ, hợp lý, nội dung phù hợp tuy nhiên một số ý còn trùng lặp. Có ý kiến cho rằng khái niệm “tình trạng khẩn cấp” là khá rộng, đối với Việt Nam cần chú trọng các hoạt động bảo vệ trẻ em khi thiên tai xảy ra, bên cạnh đó nên bổ sung các hình ảnh minh họa, chỉnh sửa một số lỗi chính tả và một số ngôn từ cho phù hợp.
Phát biểu kết thúc hội thảo, đại diện Cục Bảo trợ xã hội đánh giá cao sự tham gia đóng đóng góp ý kiến cho bộ tài liệu của các đại biểu. Cuốn tài liệu hướng dẫn được xây dựng và tập huấn thí điểm ở một vài địa phương trên cả nước, những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai thảm họa, và sẽ triển khai thêm ở một số tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đóng góp ý kiến, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện bộ tài liệu trình Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành để thực hiện trong thời gian tới./.