Hội thảo “Giới thiệu NAMA và hướng dẫn các bước cơ bản xây dựng NAMA” nhằm giới thiệu đến các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và các doanh nghiệp các nội dung: Tổng quan về NAMA, thực tế hoạt động NAMA trên thế giới và ở Việt Nam; Phương thức giám sát hiệu quả quá trình thực hiện NAMA thông qua MRV; Cơ chế tài chính cho NAMA và việc chuyển đổi dự án CDM sang NAMA và hướng dẫn các bước cơ bản xây dựng và thực hiện NAMA ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, GS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho rằng, NAMA là một khái niệm tương đối mới và được hiểu như là một công cụ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính (KNK) phù hợp với điều kiện quốc gia và phát triển bền vững đất nước với sự hỗ trợ của các nước phát triển về kỹ thuật, tài chính và tăng cường năng lực. Việt Nam đã đạt được một số kết quả và kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án CDM và có thể áp dụng trong xây dựng và thực hiện NAMA. Triển khai thực hiện NAMA sẽ là một cơ hội cho chuyển đổi công nghệ, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, phương thức sản xuất hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua các hỗ trợ quốc tế. Tuy nhiên, năng lực và kinh nghiệm thực hiện NAMA của các đơn vị có liên quan còn nhiều hạn chế.
Bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ TN&MT cho biết, giảm nhẹ KNK nên được coi là cơ hội kinh tế, xã hội và môi trường. NAMA, vì thế, là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm nhẹ KNK và phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước. NAMA cũng tạo cho Việt Nam những cơ hội, nhiều cơ chế tài chính tài trợ quốc tế cho các hoạt động giảm nhẹ - cơ hội cho các hoạt động giảm nhẹ tại các nước đang phát triển; cơ hội thúc đẩy hợp tác toàn cầu, tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển; việc xây dựng và thực hiện NAMA theo định hướng MRV tạo cơ hội thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng phát thải các-bon thấp, bền vững; việc tăng cường các hoạt động hợp tác, hội nhập với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện NAMA theo khuyến khích của UNFCCC và đàm phán quốc tế có liên quan sẽ nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bên cạnh đó còn nhiều những thách thức, hiểu biết về NAMA còn hạn chế, chưa có một định nghĩa chung về NAMA được chấp nhận rộng rãi cho tất cả các nước; công tác quản lý giảm nhẹ phát thải KNK còn thiếu kinh nghiệm và nhân lực; Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào thí chứng BĐKH, ít có sự quan tâm đến giảm nhẹ BĐKH trong các Bộ, ngành và địa phương; nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh; năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đòi hỏi đầu tư lớn và có giá thành cao.
TS. Nguyễn Thị Hiền Thuận, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường Bộ TN&MT cho biết, Việt Nam có đủ tiềm năng xây dựng và thực hiện NAMA, hiện nay nước ta đang triển khai và xây dựng các Chương trình thí điểm hỗ trợ nhân rộng các hoạt động giảm nhẹ trong lĩnh vực xi măng tại Việt Nam (tài trợ bởi Sáng kiến Hợp tác Bắc Âu); Dự án hợp tác Nghiên cứu và tăng cường năng lực giữa Việt Nam và Nhật Bản cho NAMA trong lĩnh vực chất thải theo hướng MRV. Biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây dựng đề xuất NAMA (UNDP tài trợ); Xây dựng cơ sở, phương pháp luận, đánh giá, rà soát, bổ sung các thể chế, chính sách phục vụ việc xây dựng và thực hiện NAMA (Cục KTTV-BĐKH) .